Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức

Bình chọn

Hướng dẫn tìm hiểu Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức về hoàn cảnh sáng tác, tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy.

1. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…

Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.

2. Tác giả Thanh Hải

– Tìm hiểu tác giả Thanh Hải

3. Xuất xứ

Bài thơ được viết vào tháng 11/1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, thể hiện niềm yêu mến cuộc sống đất nước thiết tha và ước nguyện của tác giả

4. Bố cục Mùa xuân nho nhỏ

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được chia thành 4 phần:

– Khổ 1: Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên.

– Khổ 2 + 3: Cảm xúc về mùa xuân của đất nước.

– Khổ 4 + 5: Ước nguyện của tác giả.

– Khổ 6: Lời ngợi ca quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.

5. Giá trị nội dung, nghệ thuật

  • Giá trị nội dung bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời, thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc

  • Giá trị nghệ thuật bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Bài thơ theo thể thơ năm tiếng, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, nhiều so sánh và ẩn dụ sáng tạo.

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức - Ảnh 2

6. Thông điệp bài thơ Mùa Xuân nho nhỏ gửi gắm qua bộ sách kết nối tri thức

“Kết nối tri thức với cuộc sống” là bộ sách giáo khoa được biên soạn theo mô hình hiện đại, chú trọng vai trò của kiến thức, đặc biệt là những kiến thức cần được “kết nối với cuộc sống”. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống không chỉ mang vai trò truyền đạt đến độc giả những kiến thức của môn học Ngữ Văn, mặt khác bài thơ còn truyền đạt thông điệp tới con người về tình yêu quê hương đất nước, đồng thời mong muốn mỗi cá nhân ít nhất hãy cống hiến một “mùa xuân nho nhỏ” của bản thân để góp phần đem lại mùa xuân lớn của dân tộc.

7. Soạn bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

a. Trước khi đọc

Câu 1 (trang 90 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Mùa xuân trong cảm nhận của em có gì đáng nhớ?

Trả lời

Mùa xuân trong cảm nhận của em là mùa đẹp nhất trong năm, mùa xuân là mùa mà thiên nhiên tươi sáng và tràn đầy sức sống. Không những thế mùa xuân là thời điểm diễn ra các lễ hội, đặc biệt là ngày Tết – nơi để mọi người sum vầy bên gia đình và người thân.

Câu 2 (trang 90 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Hãy đọc một vài đoạn thơ mà em yêu thích viết về mùa xuân.

Trả lời

Cảnh ngày xuân

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thơ xuân

Đây cả mùa xuân đã đến rồi

Từng nhà mở cửa đón vui tươi.

Từng cô em bé so màu áo

Đôi má hồng lên, nhí nhảnh cười.

b. Sau khi đọc

Câu 1 (trang 91 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Trong khổ thơ đầu, nhà thơ miêu tả mùa xuân qua những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó gợi cho em cảm nhận gì về mùa xuân?

Trả lời

Trong khổ thơ đầu, nhà thơ miêu tả mùa xuân qua hình ảnh dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời. Những hình ảnh đó gợi cho em cảm nhận về một mùa xuân tươi đẹp, rực rỡ, đồng thời tô điểm lên vẻ đẹp tự nhiên, sức sống tràn đầy mỗi khi mùa xuân đến.

Câu 2 (trang 91 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)

Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân được thể hiện như thế nào qua những dòng thơ: Ơi, con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng?

Trả lời

Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân được thể hiện qua những dòng thơ “Ơi, con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng” là cảm xúc thú vị, sự phấn khởi, đồng thời là những hạnh phúc trước bức tranh hoàn mĩ của mùa xuân. Hình ảnh con chim chiền chiện, tiếng hót vang trời, giọt sương rơi tạo nên một khung cảnh tuyệt vời, khung cảnh đó được coi là nguồn cảm hứng vô cùng lớn trong thi ca đối với tác giả.

Câu 3 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1)

Hình ảnh người cầm súng, người ra đồng gợi cho em nghĩ đến ai? Vì sao khi nói về mùa xuân của đất nước, nhà thơ lại nhắc đến hình ảnh người cầm súng và người ra đồng?

Trả lời

Hình ảnh người cầm súng và người ra đồng gợi cho em nghĩ đến hình ảnh của những anh hùng chiến sĩ bảo vệ đất nước và những người nông dân miệt mài lao động. Khi nhà thơ nói về mùa xuân của đất nước, tác giả nhấn mạnh hai hình ảnh này với mục đích đề cao tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những người anh hùng cầm súng đại diện cho sự bảo vệ đất nước, còn người ra đồng là biểu tượng của lao động và những đóng góp vào quá trình phát triển đất nước.

Câu 4 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1): Hãy chỉ ra đặc điểm về cách gieo vần và ngắt nhịp trong khổ thơ sau:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Trả lời

– Cách gieo vần của khổ thơ là gieo vần liền (lao – sao).

– Cách ngắt nhịp: 2/3, 3/2.

Câu 5 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Theo em, vì sao tác giả muốn làm “con chim”, “một cành hoa”, “một nốt trầm”? Liên hệ với hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, em có cảm nhận gì về ước nguyện mà nhà thơ muốn gửi gắm qua những hình ảnh này?

Trả lời

– Tác giả muốn làm “con chim”, “một cành hoa”, “một nốt trầm” nhằm thể hiện ước muốn và khát khao cống hiến cho đất nước, cho cuộc sống.

– khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh, trong tâm trí ông không bị tiêu cực bởi sự ra đi, mặt khác ông vô cùng tích cực và khát khao được cống hiến cho đất nước. Đây là một ước nguyện cao đẹp và ý nghĩa mà nhà thơ muốn truyền đạt thông qua những hình ảnh nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa này.

=>> Hình ảnh con chim, cành hoa, nốt trầm, mùa xuân nho nhỏ đều là những biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời và cũng là biểu tượng cho lẽ sống đẹp của con người.

Câu 6 (trang 92 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Trong phần đầu bài thơ, tác giả xưng “tôi” nhưng sang phần sau lại xưng “ta”. Theo em, việc thay đổi cách xưng hô như thế có ý nghĩa gì?

Trả lời

Sự thay đổi trong cách xưng hô từ “tôi” sang “ta” có ý nghĩa thể hiện những thay đổi suy nghĩ của tác giả. Chữ “tôi” thường gắn liền với hình ảnh cá nhân, còn đối với chữ “ta” thường mang ý nghĩa rộng lớn, bao gồm cả tập thể. Sự thay đổi này nói lên ý nghĩa của sự cống hiến và đồng lòng, tác giả muốn thể hiện sự kết nối cũng như tương tác giữa cá nhân và cộng đồng trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Câu 7 trang 92 SGK Ngữ văn 7 Tập 1:

Sau khi đọc và tìm hiểu bài thơ, em có nhận xét gì về cách dùng từ trong nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ”? Nhan đề đó gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì?

Trả lời:

– Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải. Mùa xuân vốn là một khái niệm trừu tượng chỉ thời gian. Nhưng qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, mùa xuân lại hiện hữu với hình ảnh “nho nhỏ”.

– Nhan đề gợi cho em cảm xúc về sự cống hiến của mỗi người đối với đất nước. “Mùa xuân nho nhỏ” là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo để nói về một khát vọng, một lẽ sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước.

=>> Qua đó ta thấy rằng cách dùng từ trong nhan đề không chỉ là miêu tả về mùa xuân mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về những điều nhỏ hơn nữa cách dùng từ trong nhan đề còn mang ý nghĩa tôn vinh những cống hiến của mỗi người trong xây dựng và phát triển đất nước.

8. Sơ đồ tư duy bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Sơ đồ tư duy bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Ảnh 1