Cảm nhận bài thơ Cánh cam lạc mẹ

Cánh cam lạc mẹ là một bài thơ xuất sắc của một bạn nhỏ mới chỉ học lớp 6. Dưới cái nhìn hồn nhiên trong trẻo của bạn nhỏ, việc đi lạc của cánh cam đã trở thành dịp để thế giới các loài vật trong khu vườn san sẻ tình yêu thương, chăm chút và quan tâm lẫn nhau. Hãy cùng Cảm nhận bài thơ Cánh cam lạc mẹ để thấy được sức hấp dẫn của bài thơ này, sự sáng tạo độc đáo của bạn nhỏ, tác giả của bài thơ nhé.

Bài thơ Cánh cam lạc mẹ

“Cánh cam đi lạc mẹ

Gió xô vào vườn hoang

Giữa bao nhiêu gai góc

Lũ ve sầu kêu ran.

Chiều nhạt nắng trắng sương

Trời rộng xanh như bể

Tiếng cánh cam gọi mẹ

Khản đặc trên lối mòn.

Bọ dừa dừng nấu cơm

Cào cào ngưng giã gạo

Xén tóc thôi cắt áo

Đều bảo nhau đi tìm.

Khu vườn hoang lặng im

Bỗng râm ran khắp lối

Dàn ý cảm nhận bài thơ Cánh cam lạc mẹ

1, Mở bài.

– Giới thiệu tác phẩm Cánh cam lạc mẹ.

– Cảm nhận chung về tác phẩm: Một bài thơ hồn nhiên, trong trẻo về thế giới các loài vật, cũng là ẩn dụ về cuộc sống của con người, nhắc nhở các bạn nhỏ nhiều điều giá trị của cuộc sống.

2, Thân bài.

– Khổ 1: Cánh cam đi lạc mẹ trong vườn hoang, nó lo sợ, hãi hùng vì không có ai bên cạnh.

– Khổ 2: Cánh cam cất tiếng gọi mẹ, tiếng gọi lạc đi trong vườn hoang mà vẫn không thấy mẹ. Điều đó cho thấy cánh cam đã lo sợ như thế nào khi bị lạc mất mẹ.

– Khổ 3: Thế giới các loài vật đều thương cảm, lo lắng, quan tâm cho cánh cam.

– Khổ 4: Ai cũng giang rộng cánh tay đón cánh cam trở về trú tại nhà mình trước khi tìm đến mẹ.

– Bài thơ được viết theo kết cấu giống như một câu chuyện kể, có tình tiết, có nhân vật, yếu tố tự sự và miêu tả đan xen nhịp nhàng, ngôn ngữ gần gũi, hồn nhiên, trong sáng, qua đó gửi gắm những thông điệp giá trị của cuộc sống.

3, Kết bài.

– Khẳng định cảm xúc về tác phẩm.

– Liên hệ, mở rộng.

Cảm nhận bài thơ Cánh cam lạc mẹ

Với kết cấu giống như một câu chuyện kể bài thơ Cánh cam lạc mẹ thực sự đã gây ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc. Điều đặc biệt hơn nữa là bài thơ này được viết bởi một cây bút rất nhỏ tuổi, một bạn học sinh lớp 6 với tư duy rất hồn nhiên và trong trẻo về cuộc đời. Vì thế bài thơ cũng dễ dàng để tiếp nhận ở độc giả nhất là các bạn nhỏ.

Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh chú cánh cam nhỏ đi lạc mẹ trong vườn hoang. Khung cảnh xung quanh thật đáng sợ với chú cánh cam nhỏ, giữa xung quanh bao nhiêu là gai, lũ ve sầu kêu râm ran càng làm cho chú cánh cam hốt hoảng.

Giữa bao nhiêu gai góc

Lũ ve sầu kêu ran.

Trời chiều và nhanh tối dần, trời xanh thì bao la và rộng lớn, chú hãi hùng cất tiếng gọi mẹ, tiếng gọi khản đặc trong không gian, lối mòn, nhưng vườn rộng lớn, mẹ cánh cam chẳng nghe thấy tiếng cánh cam gọi. Chắc hẳn lúc này chú cánh cam đang sợ hãi lắm, đứa trẻ nào lạc mẹ mà chả giống cánh cam, lo lắng, hốt hoảng, vội vã đi tìm, chú cánh cam nhỏ thật tội nghiệp, đáng thương biết bao nhiêu. Những chi tiết miêu tả không gian nơi cánh cam đi lạc như vườn hoang, gai góc, chiều nhạt, nắng, trời xanh rộng, lối mòn… càng tô đậm không gian rộng lớn, bao la và khiến chú cánh cam càng trở nên bé nhỏ, tội nghiệp hơn trong không gian ấy.

Cảm nhận bài thơ Cánh cam lạc mẹ

Chẳng ai bảo ai, thế giới các loài vật trong khu vườn hoang đều nghe thấy tiếng cam gọi mẹ và đều muốn giúp cánh cam tìm mẹ.

Bọ dừa dừng nấu cơm

Cào cào ngưng giã gạo

Xén tóc thôi cắt áo

Đều bảo nhau đi tìm.

Dưới con mắt tưởng tượng phong phú của tác giả thiếu nhi, thế giới các loài động vật bỗng trở nên thật sinh động giống như con người vậy. Chú bọ ngựa thì dừng không nấu cơm, chú cào cào cũng ngưng không giã gạo, chị xén tóc cũng thôi cắt áo… tất cả đều bảo nhau đi tìm mẹ giúp cánh cam tội nghiệp. Những động từ kết hợp với phó từ phủ định như: dừng nấu cơm, ngưng giã, thôi cắt áo đã thể hiện sự quan tâm, sốt sắng của thế giới loài vật dành cho cánh cam. Chúng biết cánh cam bé nhỏ đang sợ hãi như thế nào nên mới bảo nhau dừng hết công việc để đi tìm mẹ giúp chú. Đó là sự quan tâm, yêu thương thật đáng quý của thế giới loài vật dành cho cánh cam. Từ đó khiến khu vườn xung quanh bỗng trở nên vui tươi, ấm áp hẳn:

Khu vườn hoang lặng im

Bỗng râm ran khắp lối

Có điều ai cũng nói

Cánh cam về nhà tôi.”

Tiếng râm ran khắp lối chính là tiếng gọi nhau, tiếng tìm mẹ hộ của các loài động vật trong vườn hoang. Mọi người đều sẵn sàng chia sẻ, động viên và giúp đỡ để cánh cam không cảm thấy cô đơn, sợ hãi trong khu vườn hoang. Đây chính là sự đoàn kết, lòng yêu thương và sự hy vọng giữa những con vật bé nhỏ, thể hiện tình yêu thương của đồng loại dành cho nhau. Câu cuối khép lại bài thơ là lời khẳng định dõng dạc “Cánh cam về nhà tôi.” vang lên chính là sự yêu thương, san sẻ thật tuyệt vời của thế giới các loài sinh vật dành cho cánh cam. Cánh cam yên tâm nhé, nếu mẹ chưa tìm được cậu thì chúng tớ sẵn sàng đón cậu về, qua đêm nhà chúng tớ, ngày mai chúng ta lại tìm mẹ tiếp. Cậu sẽ không bao giờ cô đơn.

Cảm nhận bài thơ Cánh cam lạc mẹ

Bài thơ sử dụng thể thơ 5 chữ rất gần gũi với lời đồng dao, vè trong dân gian, phù hợp với tư duy của đứa trẻ, việc sử dụng biện pháp nhân hoá giúp thế giới các loài sinh vật hiện lên thật sinh động và gần gũi. Chúng ta đều cảm nhận đây không chỉ là câu chuyện về cánh cam lạc mẹ nữa mà là câu chuyện thật về một bạn nhỏ lạc mẹ. Bạn ấy đã nhận được sự yêu thương của mọi người xung quanh nhiều như thế nào.

Qua bài thơ hẳn mỗi chúng ta đều thấy ấm áp vì tình yêu thương, sự quan tâm của thế giới các loài sinh vật dành cho nhau. Mỗi bạn nhỏ cũng hãy tự nhắc nhau đừng có đi đâu chơi xa, lúc nào cũng phải cạnh mẹ để tránh bị lạc giống bạn cánh cam nhé.

——————————————–

Trên đây là bài viết Cảm nhận bài thơ Cánh cam lạc mẹ của Kiến Violet. Bài thơ được viết bởi một tác giả nhí với tư duy hồn nhiên, trong sáng. Qua đó giúp chúng ta thấy được vẻ đẹp của sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.