Cảm nhận bài thơ Chiều xuân

Anh Thơ là một nữ thi sĩ rất đa cảm, những vần thơ của bà luôn chất chứa những tâm sự, nỗi niềm trước cảnh vật, cuộc sống xung quanh. Chiều xuân là một bài thơ nổi tiếng thể hiện khá rõ phong cách sáng tác của bà. Cảm nhận bài thơ Chiều xuân cùng Trạm văn học ngay để thấy được điều đó nhé.

Dàn ý Cảm nhận bài thơ Chiều xuân

a. Mở bài:

– Giới thiệu về nhà thơ Anh Thơ:

+ Bà vốn ham văn chương và rất ưa thích đọc sách

+ Bà tìm đến thơ ca để thoát khỏi những nề nếp phong kiến cứng nhắc, tẻ nhạt của gia đình

+ Thơ bà thường kể về những khung cảnh bình dị nơi thôn quê bằng những nét vẽ chân thực, tinh tế. Thấm đượm trong đó là một chút tình quê đằm thắm pha chút bâng khuâng

– Giới thiệu về bài thơ Chiều xuân:

+ Tác phẩm được in trong tập “Bức tranh quê” xuất bản năm 1941

+ Là một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp của nữ nhà thơ

b. Thân bài:

– Nội dung chính của bài thơ: Bài thơ là những hình ảnh làng quê yên bình vào mùa xuân mơn mởn, trong trẻo thông qua những cảm nhận, miêu tả của tác giả Anh Thơ

– Cảm xúc chủ đạo: buồn man mác khi được đặt ở không gian buổi chiều nơi bến vắng

– Khung cảnh của thiên nhiên đồng quê:

+ Đò đứng im với dòng nước, mang nét trầm buồn, luyến tiếc, không muốn rời xa

+ Quán vắng không có sự xuất hiện của con người khiến không gian càng trở nên yên lặng hơn

+ Vạn vật thong thả, nhẩn nha tiết xuân của đất trời (đàn sáo, trâu, bướm, cò)

+ Màu tím của hoa xoan, xanh mướt của cỏ cây trên triền đê, màu xanh mạ của cánh đồng lúa, màu vàng của cánh bướm, màu đỏ thắm của người con gái

+ Mưa bụi đầu xuân

– Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:

+ Sử dụng nhiều từ láy gợi hình

+ Ngôn ngữ bình dị, gần gũi với cuộc sống

+ Chủ đề quen thuộc, bộc lộ được thế mạnh của tác giả

+ Qua những miêu tả của tác giả Anh Thơ, mùa xuân nơi thôn quê như hiện lên thật đẹp với những cảnh vật quen thuộc trong kí ức mỗi người

c. Kết bài: Nêu suy nghĩ và cảm nhận của em về bài thơ trên

Cảm nhận bài thơ Chiều xuân

Bài thơ Chiều xuân được rút ra từ tập thơ Bức tranh quê, đây cũng là tập thơ đầu tay của nhà thơ. Có thể chia bài thơ thành ba phần, tương ứng với ba khổ. Khổ 1 là chiều xuân trên bến vắng, khổ 2 là bức tranh chiều quê trên đường đê, cuối cùng là chiều xuân trên đồng lúa. Bài thơ đã khắc hoạ vẻ đẹp của chiều xuân bình dị, mộc mạc qua đó gián tiếp bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của nữ thi sĩ.

Cảm nhận đầu tiên khi đọc bài thơ Chiều xuân chính là cảm xúc man mác buồn trước cảnh. Không gian được cảm nhận trên bến vắng, thời gian là buổi chiều mùa xuân. Trên nền những cơn mưa phùn đặc trưng của mùa xuân, cảnh và người hiện ra với một nỗi buồn man mác, khó tả thành lời. Trong không khí mang nét buồn ấy bài thơ đã gợi ra những phong cảnh đặc trưng, quen thuộc của làng quê Việt Nam. Những cảnh tuy bình dị, đơn sơ nhưng đi vào trong thơ lại mang những nét thi vị, độc đáo.

Cảm nhận bài thơ Chiều xuân

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,

……………………………..

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

Mưa bụi được xem là một trong những đặc sản của mùa xuân. Những làn mưa bụi hay mưa xuân mỏng manh như hạt bụi, khẽ lay động trong gió. Từng làn nước mỏng nhẹ nhưng đã tiếp thêm sinh khí cho vạn vật. Mưa bụi thường mang đến cảm giác buồn tẻ, lại là mưa bụi đổ trên bến vắng thì không gian lại càng vắng vẻ, tịch mịch và cô liêu hơn. Câu thơ thứ hai xuất hiện hình ảnh con đò biếng mặc kệ nước sông chảy trôi. Vì bến vắng nên đò cũng biếng lười chẳng muốn hoạt động, cứ để nước sông trôi vô tình. Đến câu thơ thứ ba quán tranh im lìm trong vắng lặng lại càng tô đậm cho không gian thêm phần cô liêu, vắng lặng. Phép nhân hoá qua các từ đò biếng lười nằm, quán tranh đứng im lìm khiến cảnh vật trở nên có hồn hơn. Dường như nó cũng cảm nhận được nét vắng vẻ mà thời tiết mang lại, nó cũng đồng điệu với tâm trạng của con người.

Phải nói khổ thơ này hay nhất ở việc sử dụng các từ láy có sức gợi tả cao như “êm êm”, “im lìm”, “tơi bời”. Chúng kết hợp với những thi liệu quen thuộc khi tả về làng cảnh thôn quê như bến vắng, đò, nước sông trôi, hoa xoan… gợi lên một không gian gần gũi, bình dị, thân quen.

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,

………………………………..

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Bức tranh chiều quê tiếp tục được mở rộng theo chiều rộng của không gian. Từ quán vắng, bến vắng cái nhìn được rộng mở hơn, đó là không gian của đường đê trên thôn quê. Vì mưa xuân nên cỏ non tràn trên con đường, gợi lên một màu xanh mướt mắt, mượt mà. Có những loài động vật trong bức tranh quê, khiến cho không khí tĩnh mịch ở khổ 1 được phá bỏ. Đó là hình ảnh của đàn sáo đen sà xuống đất mổ cỏ, những cánh bướm rập rờn bay trong gió, đàn trâu thong thả gặm cỏ trên đường đê.  Đoạn thơ có sự thơ mộng, tươi mát, cho thấy sự phát hiện mới mẻ và cái nhìn tinh tế của nhà thơ.

Cảm nhận bài thơ Chiều xuân

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng

………………………………..

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

Khép lại  bài thơ là hình ảnh chiều xuân trên đồng lúa đương thì con gái. Vẫn là những nét gợi nhiều hơn tả. Một không gian thân quen của làng quê hiện ra với những đồng lúa xanh rờn, ướt lặng. Đẹp nhất trong bức tranh thôn quê này chính là hình ảnh của cô nàng mặc yếm thắm đang hăng say lao động. Chỉ với tiếng vụt bay của chú cò con cũng làm thiếu nữ giật mình. Thủ pháp lấy động tả tĩnh càng khiến bức tranh chiều xuân thêm phần bình yên.

Có thể nói Chiều xuân là một bức tranh đẹp, mộc mạc và đặc trưng của làng quê Việt Nam. Thông qua bài thơ mỗi chúng ta đều thấy trân trọng và gắn bó với cảnh làng quê của mảnh đất hình chữ S thân thương.