Cảm nhận tác phẩm Lũy tre của Nguyễn Trọng Hoàn

Cảm nhận bài thơ Lũy tre của Nguyễn Trọng Hoàn

Cảm nhận tác phẩm Lũy tre của Nguyễn Trọng Hoàn

Lũy tre làng luôn là một trong những kí ức đẹp mỗi khi nhắc về những miền quê Việt Nam. Trong nền văn học Việt Nam, cũng có rất nhiều tác giả đã lấy tre để làm đề tài chính trong tác phẩm của mình. Như bài thơ “Tre Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy, “Cây tre” của tác giả Nguyễn Văn Pứ, hay “Anh còn nhớ lũy tre làng xưa” của tác giả Lê Văn Hùng,… Nhưng cũng có một tác phẩm về cây tre cũng đầy cảm xúc và ý nghĩa như thế là bài thơ “Lũy tre” của tác giả Nguyễn Trọng Hoàn.

Phong phanh ngực trần
dẻo dai vững bền
đan nhau che bão tố
nên cột nên kèo, nên ngàm nên đố
tre ăn đời ở kiếp với người nông dân
Trong trắng lòng, xanh cật, săn gân
ngay thẳng cùng trời cuối đất
thương nhau mắt nhìn không chớp
ân tình xòe những bàn tay

Tre thông qua sự miêu tả của tác giả Nguyễn Trọng Hoàn hiện lên với sự dẻo dai, rắn chắc mà khó có thể đánh đổ, khiến cho tre gục ngã. Biện pháp nhân hóa đã giúp cho cây tre dường như biến thành một con người. Tre cũng giống như người, bởi vậy nên tre mới gắn bó, mới gần gũi với cuộc sống của con người tới như vậy. Hay phải chăng, những đức tính của tre cũng là đức tính của con người? Khi học cũng chăm chỉ, cố gắng và chẳng chịu đầu hàng khuất phục trước những thửu thách, khó khăn được đặt ra trong cuộc sống? Tre chung thủy là vậy. Tre đã gắn bó với con người “đời đời kiếp kiếp”, qua biết bao nhiêu năm tháng vẫn giống như ngày đầu. Tre gắn bó với con người không những chỉ là trong sinh hoạt, văn hóa thường ngày mà ngay cả trong cả khi chiến đấu – tre vẫn luôn sát cạnh, kề cạnh bên con người.

Tre ngay thẳng đứng thẳng hướng đến trời cao trên kia, kể cả ngay khi chết tre cũng đứng hiên ngang như thế. Điều đó cũng giống như con người vậy. Dù cho có phải chết thì cũng phải chết bằng sự hiên ngang, để cho cái chết của mình có ích cho xã hội của mình. Không phải vô cớ khi từ xa xưa ông cha ta đã đưa tre vào những câu ca dao, tục ngữ với ý nghĩa răn dạy các thế hệ sau về lối sống, về cách làm người, cách đối nhân xử thế giữa người với người trong cuộc sống. Mắt nhìn không chớp, ân tình xoè những bàn tay lại gợi nên vẻ đẹp thuỷ chung, son sắt của con người.

Bài thơ sử dụng thể thơ tự do, kết hợp với những hình ảnh chọn lọc giàu sức gợi, những tính từ thể hiện phẩm chất như “dẻo dai, vững bền”, “ngay thẳng”. Tác giả Nguyễn Trọng Hoàn cùng với bài thơ “Lũy tre” đã góp phần tạo nên thêm sự đặc sắc cho nền thơ ca Việt Nam nói chung cũng như thơ ca về đề tài cây tre nói riêng.