Nguyễn Diệu là một trong những nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam. Ông là tác giả của rất nhiều những thi phẩm đặc sắc trong đó bài thơ Mưa đã để lại những ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc. Bài thơ 4 chữ với nhịp điệu tươi vui, rộn ràng, gợi ra sự cần thiết của những cơn mưa trong cuộc sống của con người. Cảm nhận bài thơ Mưa của Nguyễn Diệu dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về tác phẩm này.
Dàn ý cảm nhận bài thơ Mưa của Nguyễn Diệu
1, Mở bài.
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm Mưa của Nguyễn Diệu.
– Cảm nhận chung về bài thơ: khúc ca reo vui say sưa của bạn nhỏ trước vẻ đẹp của những cơn mưa. Cơn mưa mang đến sức sống, sự mát lành cho vạn vật, cuộc đời.
2, Thân bài.
– Cảm nhận đề tài, chủ đề quen thuộc trong thơ ca viết về mưa, song nhà thơ vẫn có những khai thác riêng và cảm nhận riêng không lẫn với ai.
– Ghi nhận thời điểm bắt đầu có những hạt mưa đầu tiên với sức sống mà mưa mang đến: vẽ trên sân, dàn trên lá, trắng xoá, phập phồng… mưa là bạn của con người.
– Con người say sưa reo vui dưới mưa, thể hiện sự giao hoà, gắn kết giữa con người và vạn vật.
– Một bài thơ tươi vui, rộn ràng, qua đó ca ngợi vẻ đẹp của những cơn mưa và của tạo hoá, đất trời.
3, Kết bài.
– Khẳng định cảm nhận về bài thơ.
– Liên hệ bản thân.
Cảm nhận bài thơ Mưa của Nguyễn Diệu
Những vần thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Diệu luôn thể hiện một cái nhìn tươi trẻ và xanh non với đất trời. Bài thơ Mưa của Nguyễn Diệu được đông đảo bạn nhỏ yêu thích vì ca từ gần gũi, mộc mạc, giai điệu tươi vui, rộn ràng và hoàn toàn phù hợp với tư duy của trẻ nhỏ. Bài thơ cũng chính là khúc ca reo vui say sưa của bạn nhỏ trước vẻ đẹp của những cơn mưa. Cơn mưa mang đến sức sống, sự mát lành cho vạn vật, cuộc đời.
Đề tài về mưa vốn không hề hiếm trong thơ ca Việt Nam nhất là thơ ca viết cho thiếu nhi. Song với cái nhìn và cách tư duy của nhà thơ thì bài thơ Mưa vẫn có điểm độc đáo riêng và không thể trộn lẫn với bất kỳ thi phẩm nào. Bài thơ ghi lại khoảnh khắc bất chợt khi những cơn mưa rào mùa hạ ập đến, mang theo không khí mát lành, xua tan cái bầu khí nóng oi bức của mùa hè:
Mưa rơi tí tách
Hạt trước hạt sau
Không xô đẩy nhau
Xếp hàng lần lượt
Mưa vốn là một hiện tượng thời tiết thiên nhiên rất quen thuộc với con người. Với các bạn nhỏ hạt mưa có sức hấp dẫn lạ kỳ. Còn gì vui thích hơn là những ngày hè được tắm trong những cơn mưa rào, được ngắm những hạt mưa bong bóng nặng trĩu rải trắng xoá trên sân. Nhà thơ như hóa thân thành một bạn nhỏ say sưa ngắm những hạt mưa mùa hạ đầu tiên rơi xuống sân. Từng hạt, từng hạt tí tách, hạt trước, hạt sau theo thứ tự, lần lượt, không xô đẩy mà xếp hàng lần lượt thật đáng yêu. Phép nhân hoá và thủ pháp liệt kê đã gợi ra vẻ sinh động và gần gũi của những cơn mưa rào mùa hạ, khiến người đọc liên tưởng đến những bạn nhỏ đang xếp hàng nô đùa trên sân.
Khổ thơ thứ hai vẫn là một vài nét gợi về những cơn mưa rào mùa hạ, nhưng nét gợi tả này chi tiết hơn, nhấn mạnh vào đặc điểm của mưa mùa hạ:
Mưa vẽ trên sân
Mưa dàn trên lá
Mưa rơi trắng xóa
Bong bóng phập phồng
Mưa rơi vào sân giống như thi sĩ đang cầm chổi vẽ, mưa rơi vào chiếc lá giống như dàn thành hàng, từng hàng, từng hàng trắng xóa rồi tạo thành những hạt bong bóng phập phồng tan nhanh trong mưa. Cài nhìn quan sát tinh tế cộng với óc tưởng tượng của nhà thơ đã gợi ra vẻ đẹp và sự tinh nghịch của những cơn mưa mùa hạ. Các động từ vẽ, dàn, rơi, điệp từ mưa gợi những hạt mưa rơi nhanh, nối đuôi nhau với sự hối hả, nhịp nhàng. Câu thơ gợi cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh những cơn mưa rào trong bài thơ của Trần Đăng Khoa “Sắp mưa, Sắp mưa, Những con mối Bay ra, Mối trẻ Bay cao, Mối già Bay thấp, Gà con Rối rít tìm nơi Ẩn nấp, Ông trời Mặc áo giáp đen Ra trận” Các tác giả có điểm gặp gỡ chung là đều cảm nhận những cơn mưa dưới cái nhìn trong trẻo, tinh nghịch:
Mưa nâng cánh hoa
Mưa gọi chồi biếc
Mưa rửa sạch bụi
Như em lau nhà.
Không chỉ có nét tinh nghịch, đáng yêu, những hạt mưa rơi còn mang đến những giá trị tích cực cho cuộc đời. Những cơn mưa đã mang đến sức sống cho vạn vật và muôn loài, mưa làm cho cánh hoa thêm phần đậm đà hương sắc hơn, thơm hơn; mưa làm cho chồi biếc thêm xanh non hơn, mưa gọi cây ra những cành chồi biếc; mưa còn giúp rửa sạch bụi bẩn trên sân thềm, hiên nhà giống như em lau nhà vậy . Mưa chính là người bạn thân thiết đem đến niềm vui, hạnh phúc cho cuộc đời.
Mưa rơi, mưa rơi
Mưa là bạn tôi
Mưa là nốt nhạc
Tôi hát thành lời…
Chính vì thế nhà thơ cảm nhận mưa rơi chính là người bạn thân thiết của tôi, dưới cơn mưa tôi say sưa cất tiếng hát yêu đời,ca ngợi cơn mưa, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp hơn nhờ có mưa mang lại.
Bài thơ sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ như điệp ngữ mưa rơi, so sánh, nhân hoá. Đặc biệt là điệp ngữ mưa rơi, mưa qua đó nhấn mạnh vào sự say mê, thích thú của nhà thơ trước vẻ đẹp của những cơn mưa rào mùa hạ. Thể thơ 4 chữ gần với đồng dao, dễ đọc, dễ nhớ với những hình ảnh bình dị, thân quen, nhịp điệu tươi vui, rộn ràng. Qua bài thơ có thể thấy Nguyễn Diệu là một người vô cùng yêu thiên nhiên, nhạy cảm với sự biến chuyển của vạn vật.
Qua bài thơ Mưa chúng ta thấy được giá trị và sự gắn bó thân quen, gần gũi của những cơn mưa rào mùa hạ với cuộc sống của con người. Phải là một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, phải có sự giao hoà với thiên nhiên mới có thể viết lên những vần thơ dung dị mà sâu sắc đến thế. Có lẽ vì thế bài thơ Mưa được đông đảo bạn nhỏ yêu thích, tìm đọc.
——————————————–
Trên đây là Cảm nhận bài thơ Mưa của Nguyễn Diệu do Kiến Violet sưu tầm. Đây là một bài thơ miêu tả những cơn mưa với những nét vẽ tinh nghịch, tươi vui và giai điệp nhịp nhàng. Hy vọng qua bài thơ các em sẽ yêu hơn những cơn mưa mùa hạ và hiểu thêm về con người tác giả.