Cảm nhận nhân vật ông Diểu trong truyện ngắn Muối của rừng ngắn gọn

Ai cũng có một tổ ấm để yêu thương. Hành trình săn bắt thú vật, với loài người, có thể là việc cỏn con, nhưng với thú vật, chúng có suy nghĩ khác. Chún nơm nớp sợ, cũng chạy trốn nhưng rồi vì tình cảm gia đình, chúng bảo vệ lẫn nhau. Sau đây, mời các em theo dõi bài viết “Cảm nhận nhân vật ông Diểu trong truyện ngắn Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp để tìm hiểu diễn biến tâm lí con người sau khi chứng kiến sự bảo vệ gia đình khỉ.

Dàn ý Cảm nhận nhân vật ông Diểu trong truyện ngắn Muối của rừng

a. Mở bài

-Dẫn dắt vấn đề: Nhận xét của Nguyễn Minh Châu về mối quan hệ giữa văn học và đời sống.

– Nhân vật ông Diểu trong truyện ngắn “Muối của rừng” mang nhiều ấn tượng.

b. Thân bài

– Giới thiệu chung: Hoàn cảnh ra đời, nội dung chính tác phẩm.

– Cảm nhận nhân vật:

+ Ông Diểu là người khao khát chinh phục thế giới tự nhiên.

+ Ông Diểu là người biết nhận lỗi sau hành động sai trái.

+ Trỗi dậy sâu thẳm trong ông là tình yêu thương.

– Suy nghĩ:

+ Để lại bài học về tình yêu thương động vật và tình người trong cuộc sống.

c. Kết bài

– Tổng kết vấn đề: Câu chuyện đã để lại dấu ấn sâu đậm và trao tặng người đọc thông điệp quý giá.

Cảm nhận nhân vật ông Diểu trong truyện ngắn Muối của rừng

Nguyễn Minh Châu từng nhận xét “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là con người”. Thông qua nhân vật, nhà văn muốn gửi đến độc giả một thông điệp, một triết lí, một bài học đạo đức nhằm hướng tới xây dựng một xã hội người tốt đẹp hơn. Đến với truyện ngắn “Muối của rừng”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo hình nhân vật ông Diểu mang nhiều ấn tượng.

“Muối của rừng” là tác phẩm nằm trong chuỗi đề tài đi săn của Nguyễn Huy Thiệp – người vốn nổi tiếng với nhiều câu truyện ngắn. Truyện kể về diễn biến tâm lí của ông Diểu sau khi bắn khỉ đực trong cuộc đi săn. Nhìn khỉ mẹ và khỉ con ra sức bảo vệ, nhân vật đã ngớ người nhận ra nhiều bài học quý giá.

Trước hết, ông Diểu là người đàn ông thích chinh phục thế giới tự nhiên. Bằng chứng là khi được con trai mua cho cây súng mới, ông đã không ngần ngại mà quyết định vào rừng đi săn. Một hành động mạnh mẽ, dứt khoát cho người đọc thấy được khát vọng chinh phục của ông. Thú vật bao giờ cũng sợ hãi trước trước con người, và nhất là khi nhìn thấy cây súng ông Diểu mang, càng nhấn mạnh được uy lực của loài người. Khi đã tìm được con mồi, trong gia đình khỉ gồm ba thành viên, ông quyết định bắn khỉ đực bởi sự bực bội căm ghét “Cái thằng bố ô trọc ấy!”, “Vị gia trưởng cộc cằn!”, “Tên bạo chúa khốn nạn”. Ông bắn khỉ đực như một hành động chủ quan mà ông cho mình nhân danh thượng đế để trừng trị bọn xấu xa.

Tuy nhiên, ngay sau khát vọng chinh phục thiên nhiên đấy là cảm giác hối lỗi về hành động “ngu dốt” của mình. Ông ngớ người nhận ra bởi sau tiếng bắn đấy, khỉ cái bỏ chạy nhưng rồi quay lại, về bên khỉ đực đang nằm đau điếng, còn khỉ con đoạt súng từ tay ông chạy xuống vực để bảo vệ khỉ bố và khỉ mẹ. Thuở đầu, thấy khỉ cái bỏ chạy, ông định bụng hả hê. Có lẽ, ông đang nghĩ, không kể con người, mà ngay cả con vật, khi gặp nguy sẽ có kẻ quay lưng bỏ chạy. Nhưng không, ông đã nhầm, khỉ mẹ đột ngột quay lại khi ông chuẩn bị tiến tới mang vật phẩm chiến tích đem về. Và hành động của khỉ con ngay sau đó đã thức tỉnh sự lương thiện, trái tim nhân đạo trong con người nhân vật. Trước mắt khỉ mẹ và khỉ con, đối thủ nguy hiểm nhất chính là con người. Con người bỗng trở thành cái gai trong hàng nghìn con mắt loài vật, bởi loài người đã phá vỡ môi trường sống yên ổn của chúng, phá vỡ hạnh phúc bấy lâu nay của chúng. Ông xấu hổ về hành động của mình.

Cảm nhận nhân vật ông Diểu trong truyện ngắn Muối của rừng

Không những vậy, sâu thẳm trong trái tim nhân vật Diểu trong truyện ngắn “Muối của rừng” còn toát lên tình yêu thương. Chỉ sau khi nhận thức được hành động sai trái của mình, nhận thức được suy nghĩ lệch lạc của mình về thế giới thiên nhiên lẫn các mối quan hệ xã hội con người; trái tim ông đã rung cảm. Ông băng bỏ cho khỉ. Diễn biến tâm lí “tránh nhìn vào đôi mắt van lơi” của ông khiến bạn đọc cảm nhận được sự biến chuyển nội tâm. Ông Diểu đã có sự dao động. Chứng kiến hành động đầy tình cảm giữa gia đình khỉ khiến ông không còn cảm thấy hãnh diện hay kiêu ngạo bởi hành động săn, mà ngược lại, ông cảm thấy hổ thẹn.

Con người chỉ thực sự trưởng thành khi hiểu được những điều nhỏ bé. Vì cái suy nghĩ gia trưởng, cố chấp của mình về xã hội con người, về thiên nhiên, mà ông Diểu sinh ra cảm giác thù hẳn, ghét bỏ. Ông tìm đến thú vui săn bắt không đơn thuần để đi săn mà ẩn sau đó là khao khát được thỏa mãn, được chứng tỏ rằng điều mình suy nghĩ là chính xác. Thế nhưng, đây có lẽ là cuộc đi săn vô giá trong đời người khi nó khiến ông thay đổi suy nghĩ. Cuộc sống quay đi quẩn lại, bao trùm lên tất cả, là tình yêu với đồng loại, là trái tim chân thành, là lòng nhân ái, vị tha. Câu chuyện đã mở ra cho bạn đọc bài học về tình yêu thương không chỉ với con người mà với động vật. Chúng cũng là cá thể cần được che chở, bảo vệ.

Như vậy, thông qua nhân vật Diểu trong truyện ngắn “Muối của rừng” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, độc giả phần nào có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới tình cảm loài vật, qua đó là thông điệp về tình người trong cuộc sống.

———————————

Trên đây là bài viết “Cảm nhận nhân vật ông Diểu trong truyện ngắn Muối của rừng”. Hi vọng, bài viết trên của Trạm Văn học sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn Văn!