Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Ngôn chí Bài 10

5/5 - (1 bình chọn)

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Ngôn chí (bài 10)

Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Ngôn chí Bài 10

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả:

+ Nhà thơ lớn của Việt Nam.

+ Có những đóng góp to lớn cho văn học trung đại Việt Nam ở mảng văn chương chữ Hán và đặc biệt là trong thơ Nôm.

+ Thơ văn Nguyễn Trãi thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên.

– Giới thiệu bài thơ:

+ Thơ chữ Nôm, nằm trong tập thơ Quốc âm thi tập.

+ Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi: tình yêu thiên nhiên và lối sống bình dị, thanh cao, tránh xa hư vinh.

2. Thân bài

2.1 Hai câu thơ đề

– Cảnh tựa chùa chiền: không gian thiên nhiên thiêng liêng, yên bình, thanh tịnh

– Lòng tựa thầy: lòng vô tâm như lòng thầy tu

– Có thân chớ phải lợi danh vây: phủ định lối sống ham mê vật chất, danh vọng

=> Thể hiện mong muốn được sống thanh tịnh trong tâm hồn, hòa hợp với thiên nhiên, lánh đời, rời xa hư vinh phú quý.

2.2 Hai câu thơ thực: Vẻ đẹp thanh bình, tĩnh lặng của thiên nhiên

– Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén: không gian thơ mộng, bình yên, thú vui tao nhã ngắm trăng uống rượu.

– Ngày vắng xem hoa bẻ cây: thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên và thú vui chơi cây cảnh (bẻ cây: tỉa cây)

=> Hai câu thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi, ông không chỉ thấy được vè đẹp của thiên nhiên hoa lá mà còn biết tận hưởng, thưởng thức vẻ đẹp ấy.

2.3 Hai câu thơ luận: Vui sống ở chốn thôn quê dân dã, bình yên

– Thiên nhiên sinh động, ấm áp, tràn đầy sức sống: Cây rợp, chim kết tổ, ao quang, cá nên bầy.

– Lối sống hòa hợp với thiên nhiên, bầu bạn cùng thiên nhiên, sự giản dị trong lối sống của nhà thơ.

2.4 Hai câu kết:

– Những chiêm nghiệm về bản thân, mong muốn được thoát tục, dù chỉ là “ít nhiều” trước thiên nhiên bình yên, thanh tịnh, đẹp đẽ.

– Nỗi lòng ưu tư về đời người, về lối sống chạy theo hư vinh, phú quý của con người.

2.5 Tổng kết

– Giá trị nội dung: Qua bài thơ chúng ta thấy được vẻ đẹp tư tưởng, tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Trãi. Đó là tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp, bầu bạn với thiên nhiên và lối sống giữ cho cốt cách thanh cao, không ham giàu sang, phú quý, đề cao những giá trị về tinh thần hơn là vật chất.

– Giá trị nghệ thuật:

+ Thơ chữ Nôm, thất ngôn bát cú xen lục ngôn => Sự sáng tạo, cách tân của Nguyễn Trãi

+ Hình ảnh ước lệ, giản dị, gần gũi.

+ Ngôn từ được chọn lọc cẩn thận nhưng cũng rất mộc mạc, gần gũi, mang giọng điệu của lời ăn tiếng nói hằng ngày, điều này cho thấy vẻ đẹp của tiếng Việt.

3. Kết bài

– Khẳng định vai trò và vị trí của Nguyễn Trãi trong nền văn học dân tộc.

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Ngôn chí Bài 10

Nguyễn Trãi là một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp nổi bật và quan trọng trên nhiều phương diện khác nhau như chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là trong văn chương, nghệ thuật. Nguyễn Trãi có nhiều tác phẩm xuất sắc bằng chữ Hán và cũng là người đặt nền móng cho thơ Nôm với tập thơ Quốc âm thi tập. Cảm hứng chủ đạo trong thơ văn Nguyễn Trãi là cảm hứng yêu nước và cảm nhân đạo. Các tác phẩm của ông thể hiện rõ tư tưởng yêu nước, tinh thần chiến đấu vì dân tộc, bên cạnh đó còn thể hiện tư tưởng nhân nghĩa, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên. Viết về thiên nhiên, nhà thơ Nguyễn Trãi không chỉ coi thiên nhiên là nơi sống thanh tao mà còn là người bạn tri âm, tri kỷ để gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình. Bài thơ Ngôn chí (bài 10) là cũng thể hiện tinh thần ấy của tác giả khi viết về thiên nhiên. Qua bài thơ, người đọc thấy được tài năng thơ ca và đặc biệt là cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn thanh cao, đẹp đẽ của nhà thơ Nguyễn Trãi.

Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy
Có thân chớ phải lợi danh vây.
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén,
Ngày vắng xem hoa bẻ cây.
Cây rợp chồi cành chim kết tổ,
Ao quang mấu ấu cá nên bầy.
Ít nhiều tiêu sái lòng ngoài thế,
Năng một ông này đẹp thú này.

Bài thơ Ngôn chí (bài 10) là một bài thơ chữ Nôm thuộc thể thất ngôn bát cú xen lục ngôn, bài thơ cho thấy tài năng và sự sáng tạo của Nguyễn Trãi. Nhà thơ vận dụng thể thơ Đường, Việt hóa bằng cách pha câu lục ngôn. Bên cạnh đó là sự trau chuốt trong từng từ ngữ, câu thơ để định sức sống cũng như vẻ đẹp của tiếng Việt. Bài thơ Ngôn chí (bài 10) được viết khi Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn, sống cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên an lành mà qua đó chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của tác giả. Đó là tình yêu thiên nhiên, là cốt cách thanh cao, một lối sống xa rời hư vinh, vui với chốn thôn quê dân dã mà yên bình.
Hai câu thơ đầu mở ra khung cảnh thanh bình, yên ả của chùa chiền:

Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy
Có thân chớ phải lợi danh vây.

Câu thơ gợi lên thiên nhiên thanh tịnh của những ngôi chùa. Không gian thiêng liêng mang đến cho con người cảm giác bình an, thanh thản, giúp con người tìm được sự thanh tịnh trong tâm hồn mình. “Lòng tựa thầy” đề cập đến sự đến tâm hồn trong sạch, ngay thẳng, thanh cao của bậc chân tu. Câu thơ “Có thân chớ phải lợi danh vây” nhắc nhở con người về lối sống ham tiền tài, vật chất, chạy theo danh vọng bất chấp mọi thứ. Lối sống ấy sẽ khiến con người không được bình yên trong tâm hồn, dễ khiến bản thân trở thành những kẻ xấu xa, thất đức. Qua hai câu thơ, chúng ta thấy được một lối sống thanh cao của Nguyễn Trãi, đó là lối sống tìm về nơi yên bình, trong sạch, nơi chưa lành tâm hồn, tránh xa chốn xô bồ, bon chen, một lối sống đề cao giá trị tinh thần hơn giá trị vật chất.

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Ngôn chí Bài 10

Hai câu thơ sau tiếp tục khẳng định cho lối sống thanh cao của nhà thơ, vui sống cùng thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên:

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén,
Ngày vắng xem hoa bẻ cây

Câu thơ sử dụng phép đối “đêm thanh” – “ngày vắng”, “hớp nguyệt nghiêng chén” – “xem hoa bẻ cây”. Hình ảnh đêm khuya thanh bình, yên ả cùng ánh trăng trong trẻo, sáng ngời in bóng trên chén rượu và những ngày vắng lặng ngắm thiên nhiên hoa lá gợi ra khung cảnh vô cùng yên bình. Những câu thơ cũng thấy được tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi, nhà thơ luôn tìm thấy trong thiên nhiên những vẻ đẹp khiến lòng người an yên. Hai câu thơ là bức tranh về sự hòa mình của tác giả vào vẻ đẹp của thiên nhiên, tìm kiếm sự tĩnh lặng và bình an trong cuộc sống. Đó là điều nhà thơ đã lựa chọn để tránh xa những xa hoa, bon chen của xã hội. Sống trong sự vắng lặng nhưng Nguyễn Trãi không hề cảm thấy buồn chán, u sầu, ông tìm thấy những thú vui với thiên nhiên, đó là uống rượu thưởng trăng, ngắm hoa chơi cây.

Hai câu thơ đề và hai câu thơ thực đã khẳng định vẻ đẹp thanh bình, tĩnh lặng của chốn thiên nhiên, đó là chốn mà nhà thơ Nguyễn Trãi chọn để lánh đời. Nhà thơ không chỉ cảm thấy thanh bình với thiên nhiên yên tĩnh mà còn vui với chốn thôn quê dân dã trong hai câu thơ luận:

Cây rợp chồi cành chim kết tổ,
Ao quang mấu ấu cá nên bầy.

Hai câu thơ khắc họa bức tranh thiên nhiên sinh động và tràn đầy sức sống. Hình ảnh “cây rợp chồi cành” , “chim kết tổ”, “cá nên bầy” cho thấy sức sống mãnh liệt và sự phát triển mạnh mẽ của thiên nhiên. Hình ảnh chim làm tổ, cá bơi theo đàn cũng gợi lên cảm giác êm đềm, ấm áp. Nếu như ở câu thơ đề cho thấy sự vô tâm của nhà thơ Nguyễn Trãi với đời (lòng tựa thầy – lòng vô tâm như lòng thầy tu) thì câu thơ luận cho thấy sự mở lòng của nhà thơ với cảnh vật thiên nhiên. Nhà thơ không chỉ coi thiên nhiên là nơi để lánh xa sự đời mà còn coi thiên nhiên như là tri âm, tri kỷ để bầu bạn, để giãi bày tâm sự, để vui sống mỗi ngày.

Kết thúc bài thơ là sự khẳng định về lối sống thanh tịnh trong tâm hồn, hòa hợp với thiên nhiên của nhà thơ Nguyễn Trãi. Hai câu thơ cho thấy tâm trạng thảnh thơi, thong dong của nhà thơ khi vui với “thú này” (uống rượu ngắm trăng, xem hoa, xem chim kết tổ, ngắm ca bơi trong ao nước trong). Và qua đó ta cũng thấy được lối sống không màng danh lợi, luôn giữ mình trong sạch, phóng khoáng, giữ cốt cách thanh cao của nhà thơ. Sống trong những phút giây bình yên ấy, nhưng Nguyễn Trãi không phải lúc nào cũng cảm thấy thanh thản, một con người nặng lòng với nước, với dân như vậy không tránh được những phút giây bận tâm đến cuộc đời. Đó là sự ưu tư trước sự xô bồ của xã hội, con người khó mà có thể dứt bỏ được những hư vinh phú quý, khó lòng mà vô tâm trước danh vọng để sống cuộc sống bình dị, yên lành với thôn quê dân dã, với thiên nhiên tĩnh lặng:

Ít nhiều tiêu sái lòng ngoài thế,
Năng một ông này đẹp thú này.

Qua bài thơ chúng ta thấy được vẻ đẹp tư tưởng, tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Trãi. Đó là tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp, bầu bạn với thiên nhiên và lối sống giữ cho cốt cách thanh cao, không ham giàu sang, phú quý, đề cao những giá trị về tinh thần hơn là vật chất. Bài thơ cũng cho thấy những đóng góp quan trọng của Nguyễn Trãi với nền thơ ca Việt Nam, đó là sự cách tân thơ Đường luật Trung Quốc với sự phá cách trong thể thơ, viết bằng chữ Nôm, bài thơ vừa cổ điển vừa mới mẻ với những hình ảnh ước lệ, giản dị, gần gũi. Ngôn từ được chọn lọc cẩn thận nhưng cũng rất mộc mạc, gần gũi, mang giọng điệu của lời ăn tiếng nói hằng ngày, điều này cho thấy vẻ đẹp của tiếng Việt.

Qua bài thơ Ngôn chí (bài 10) cũng như những sáng tác khác của nhà thơ Nguyễn Trãi, chúng ta thấy được ông là một nhân cách lớn, một danh nhân văn hóa, một nhà tư tưởng lỗi lạc và nhà văn, nhà thơ lớn. Những đóng góp của Nguyễn Trãi cho văn học dân tộc là vô cùng to lớn và có giá trị, và với những đóng góp ấy ông xứng đáng với danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới ghi nhận bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

>>> Tham khảo: Cảm nhận về đoạn thơ Tổ quốc là tiếng mẹ