Phân tích nhân vật Bính trong tác phẩm Buổi sớm – Thạch Lam
Được mệnh danh là “nhà văn của sự tinh tế, của những khám phá nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống” – Thạch Lam đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với đông đảo độc giả Việt Nam. Những tác phẩm của ông đều mang nét nhẹ nhàng, tỉ mẩn của một tâm hồn nhạy cảm với cuộc đời nhưng lại nội tâm, ý nhị và thầm kín. Tất cả những điều đó đã được thể hiện thông qua cách ông xây dựng tâm lý nhân vật, cốt truyện và những giá trị nhân văn đằng sau câu truyện đó. Nhắc đến Thạch Lam chúng ta sẽ nhớ ngay tới những tác phẩm như “Một thức quà của lúa non: Cốm” hay “Gió lạnh đầu mùa”,… Thế nhưng, ấn tượng hơn cả có lẽ là truyện ngắn “Buổi sớm” với hình ảnh của nhân vật chính Bính.
Bính vốn là một cậu ấm sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cũng chính vì lẽ đó mà cậu thường sống với nhịp sống ăn chơi xô bồ thâu đêm suốt sáng mà không tìm thấy lối ra. Anh vốn đã quen với lối sống ăn chơi là vậy, quen ánh sáng rực của đèn, của những cặp môi gái đàng điếm lẳng lơ, rượu sánh trong cốc, với gói thuốc phiện thơm… Cuộc sống của anh giống như một vòng lặp vô tận, khiến anh càng chìm sâu vào đó mà chẳng thể tự tìm thấy cho mình lối thoát hay nói đúng hơn là anh không thể tự thoát ra khỏi vòng xoáy xa đọa đó. Những tưởng cuộc sống của Bính sẽ mãi trượt dài như vậy, thế nhưng lại có một sự việc khiến mọi chuyện thay đổi. Một tối nọ, anh cứ nằm mà trằn trọc mãi chẳng thể nào ngủ được. Xoay phải, xoay trái cũng chỉ càng làm cho bản thân têm phần khó chịu nên anh quyết định sẽ thức dậy. Chính nhờ quyết định này mà cuộc sống của anh như được mở ra lần thứ hai, như được bước tiếp sang một trang mới.
Bính ngỡ ngàng trước khung cảnh buổi sớm ở ngôi nhà quen thuộc từ tiếng gà sớm, hạt sương, không khí, hay cả ánh sáng yếu ớt len qua khe cửa mái nhà tranh… Tất cả đều lầm anh cảm thấy thật lạ lẫm biết bao. Chẳng phải là do khung cảnh mà chính là do Bính đã từ lâu chẳng còn ngắm nhìn ngôi nhà của mình kĩ lưỡng như vậy nữa. Thế rồi, Bính bắt đầu cảm thấy tự trách mình vì những điều mà mình đã làm, vì mình mà căn nhà ấm cúng khi xưa đã dần không còn nữa. Nhưng nào ai có hay, sau những đêm ăn chơi hưởng lạc ấy, là một tâm hồn bị tổn thương sau cái chết của ba, là nỗi buồn ẩn dấu sau ánh đèn xanh đỏ. Đó là một người từng có cuộc sống bình thường, với cái tươi tắn của tuổi trẻ, cùng sự lãng mạn của con mắt thích ngắm trời mây.
Rồi anh nghĩ tới mẹ mình, người luôn ở đằng sau dõi theo anh dù rằng cho anh cố vùi mình vào những cuộc giải trí xuyên đêm chẳng hề thấy mặt. Nghĩ tới cảnh mẹ khóc, Bính ân hận lắm. Anh ân hận về cuộc sống xa hoa hưởng lạc khiến gia đình mình lâm vào cảnh lao đao. Viết tới cảnh này, Thạch Lam đã không dùng cái nhìn chủ quan mà dùng cái nhìn khác quan, cái nhìn đa chiều để đánh giá về vấn đề. Đan xen giữa thực tại và quá khứ, giữa mối quan hệ của con người và thiên nhiên, Thạch Lam đã tạo nên một bức tranh tuyệt vời, một cú đột phá để thức tỉnh một tâm hồn sa ngã trong vòng xoáy mịt mù.
Thạch Lam đã tạo ra cho nhân vật của mình một con đường để trở lại với lương thiện. Tuy cốt truyện không quá mới lạ, hay nhiều phân đoạn cao trào, thế nhưng “Buổi sớm” lại là một câu truyện nhân văn đầy tình người. Đó là câu truyện mầ ta có thể gặp ở bất cứ nơi đâu xung quanh cuộc sống của chính mình. Qua đó, tác giả còn như muốn gửi gắm tới chúng ta một thông điệp rằng hãy nhìn mọi chuyện bằng đa chiều của vấn đề, đừng để cái nhìn chủ quan của chúng ta giết chết một mạng sống.
Thạch Lam và truyện ngắn “Buổi sớm” đã mang đến cho đọc giả một câu truyện nhân văn, nhẹ nhàng mà đầy ý nghĩa. Xứng đáng được vinh danh trên nền trời văn chương độc đáo của nước nhà.