Đoạn văn (7 – 9 câu) cảm nhận về một chi tiết trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh cho em ấn tượng sâu sắc nhất

Bình chọn

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) nêu cảm nhận về một chi tiết trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất

Hướng dẫn đọc nhanh

Mẫu 1

Trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh, em rất ấn tượng với chi tiết vua Quang Trung lúc này là vẫn là Bắc Bình Vương khi nghe tin quân Thanh đến Thăng Long và việc vua Lê thụ phong đã rất tức giận, định thân chinh cầm quân đi ngay nhưng khi nghe các bề tôi khuyên ngăn bằng những điều có lý thì ngài đã nghe theo lời khuyên của các tướng sĩ. Chi tiết này thể hiện vua Quang Trung là một người lãnh đạo có lý trí mạnh mẽ, ngài không hành động theo cảm tính. Đồng thời, ngài cũng không phải là một kẻ tự cao, tự đại, bảo thủ, thích làm theo ý mình, bỏ ngoài tai những khuyên của người khác. Chi tiết này cũng chứng minh Quang Trung đã có những bề tôi tài giỏi và trung thành. Họ biết nhà vua của họ cần làm gì và không nên làm gì. Khi nhà vua chuẩn bị có những hành động có thể mang lại hậu quả không tốt họ ngay lập tức khuyên ngăn và đưa ra giải pháp tốt cho vị vua của mình. Qua đó, chúng ta cũng thấy được mối quan hệ tốt đẹp giữa vua Quang Trung và các tướng sĩ của ngài.

Mẫu 2

Chi tiết vua Quang Trung truyền lời dụ của ngài đến quân lính là chi tiết em ấn tượng nhất trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh. Qua nội dung của lời dụ, người đọc có thể thấy được những phẩm chất tốt đẹp của vua Quang Trung. Đó là lòng tự tôn dân tộc và ý thức về chủ quyền, về độc lập tự do của đất nước. Nhà vua cho rằng hành động xâm lược của quân Thanh là trái với tự nhiên, phương Nam phương Bắc đã chia, hai bên tự cai trị, không bên nào được xâm phạm. Vua Quang Trung là một người có lòng biết ơn và ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các anh hùng, hào kiệt của nước Đại Việt qua các triều đại. Nhà vua nhận thấy bản thân cũng như những người dân Đại Việt có trách nhiệm phải bảo vệ và giữ gìn những tấc đất mà ông cha đã để lại. Nhà vua cũng là một con người dũng cảm, nhà vua không sợ kẻ thù mạnh mà nhún nhường, sợ hãi, ngài cho rằng việc người phương Bắc cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải là hành vi sai trái, và trách nhiệm của mỗi người con Đại Việt là phải đứng lên đánh đuổi chúng. Chi tiết truyền dụ của vua Quang Trung còn thể hiện mưu trí của ngài, lời dụ của ngài đã khơi gợi lòng yêu nước và ý chí lập công của quân lính. Tóm lại, chí tiết này đã giúp tác giả khắc họa hình tượng vua Quang Trung với những phẩm chất tốt đẹp của một người lãnh đạo, của một vị vua anh minh, tài giỏi.

Mẫu 3

Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh có rất nhiều chi tiết đặc sắc, trong đó em ấn tượng nhất với chi tiết kể về diễn biến trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Thanh. Dù được kể ngắn gọn nhưng người đọc cũng cảm nhận được khí thế hùng mạnh của quân Tây Sơn, đặc biệt là ở trận đánh đồn Ngọc Hồi. Qua đó, chúng ta có thể thấy được sự dũng mãnh của quân lính nhà Tây Sơn. Họ đều là những người lính quả cảm, tài giỏi và nhanh nhẹn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy được tài thao lược của vua Quang Trung và các tướng sĩ, họ không chỉ lên một kế hoạch tiến công hoàn hảo, gây bất ngờ cho quân địch mà còn dự đoán được những hành động của kẻ địch. Ngoài ra, trong diễn biến trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Thanh, nhà Tây Sơn còn được yếu tố thiên nhiên “trợ giúp” (chi tiết trời trở gió nam khiến ống phun khói lửa của quân Thanh phản tác dụng) cho thấy những dự báo về chiến thắng của nhà Tây Sơn khi trận chiến của họ có đủ các yếu tố “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Và sự thắng lợi của của nhà Tây Sơn đã là một minh chứng cho luật nhân quả, kẻ ác, kẻ xấu sẽ không gặp được điều tốt đẹp.