Đọc đoạn trích dưới đây:
Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo,
Trước thềm lan hoa héo ron ron!
Cầu Tiên khói toả đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu!
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở,
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao,
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!
Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phò vằng vặc bóng dương,
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan, chèo quế thuận đường vu qui.
Trăm ngàn dặm quản chi non nước,
Chữ nghi gia mừng được phải duyên,
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ ràng vẻ thuý, nối chen tiếng cầm.
Lượng che chở, vụng lầm nào kể,
Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời,
Dầu rằng non nước biến dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.
Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cũng đội ơn sang,
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.
Nhờ hồng phúc, đôi cành hoè quế,
Đượm hơi dương, dây rễ cùng tươi.
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng câu thiên bảo, bày lời Hoa phong.
Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngỡ được vầy vui,
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời tráo trở, vận người biệt ly!
Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên!
Xiết bao kinh sợ lo phiền,
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước.
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
Ngán thay, máy Tạo bất bằng!
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan!
Cuộc tụ, tán, bi, hoàn kíp bấy!
Kể sum vầy đã mấy năm nay?
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu!
Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,
Biết cậy ai dập nỗi bi thương?
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.
Khi trận gió, hoa bay thấp thoáng,
Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu:
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện chăng!
(Trích Ai Tư vãn, Lê Ngọc Hân, theo https://isach.info/)
Chú thích:
* Ai Tư vãn là một tác phẩm viết bằng chữ Nôm. Tương truyền bài thơ này là do Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân viết khóc phu quân là Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ khi hoàng đế băng hà.
Câu 1. Đoạn trích “Ai Tư Vãn” được viết theo thể thơ nào? Đặc điểm của thể thơ đó là gì?
Trả lời
– Đoạn trích “Ai Tư Vãn” được viết theo thể thơ song thất lục bát
– Đặc điểm của thể thơ song thất lục bát:
+ Kết hợp đan xen từng cặp song thất với cặp câu lục bát.
+ Về vần, thơ song thất lục bát sử dụng cả vần lưng và vần chân.
+ Về thanh điệu, thanh bằng (B) – thanh trắc (T) của các tiếng ở một số vị trí trong câu thơ là cố định.
+ Cách ngắt nhịp của thơ song thất tương đối linh hoạt.
Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích là ai? Em cảm nhận được điều gì ở nhân vật trữ tình?
Trả lời
– Nhân vật trữ tình: người vợ – Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
– Qua đoạn trích, nhân vật trữ tình hiện lên là một người vợ nặng tình, biết trân quý những tình cảm, kỉ niệm vợ chồng; thủy chung, đau lòng, xót thương chồng vô hạn.
Câu 3. Nhân vật trữ tình hiện lên như thế nào qua đoạn trích?
Trả lời
Nhân vật trữ tình được đặt vào tình huống bi thảm khi phải chứng kiến cảnh người chồng đột ngột ra đi mãi mãi. Nhân vật trữ tình được khắc họa chủ yếu qua tâm trạng đau đớn, xót xa, bàng hoàng trước sự ra đi của người chồng cũng là một vị hoàng đế. Dù đã tìm mọi phương cách để cứu chữa cho chồng nhưng đều vô dụng, nàng đau buồn khi nghĩ về tương lai khi không có chồng bên cạnh.
Qua đoạn trích, nhân vật trữ tình hiện lên là một người vợ nặng tình, biết trân quý những tình cảm, kỉ niệm vợ chồng; thủy chung, đau lòng, xót thương chồng vô hạn.
Câu 4. Nêu cách ngắt nhịp trong hai dòng thơ sau:
Cuộc tụ, tán, bi, hoàn kíp bấy
Kể sum vầy đã mấy năm nay?
Trả lời
Cách ngắt nhịp trong hai dòng thơ là: 2/1/1/3 và 3/4
Câu 5. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: “Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan!”
Trả lời
– Biện pháp nói giảm nói tránh: Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan
– Tác dụng của biện pháp tu từ nói giảm nói tránh:
+ Giúp cho cách diễn đạt trở nên giàu hình ảnh, giàu giá trị biểu cảm.
+ Vừa nhằm giảm bớt nỗi đau đớn trước cảnh sinh ly tử biệt; vừa gợi thân thế cao quý của người chồng qua hình ảnh xe loan.
+ Qua đó, thể hiện tâm trạng đau đớn, xót xa của người vợ trước sự ra đi của người chồng.
Câu 6. Trong cuộc đời, gặp gỡ rồi chia ly là lẽ tự nhiên. Nếu phải chứng kiến hoặc trải qua những cuộc chia ly, em nên có thái độ như thế nào?
Trả lời
– Trong cuộc đời, gặp gỡ rồi chia ly là lẽ tự nhiên, nếu em phải chứng kiến hoặc trải qua những cuộc chia ly, em nên có thái độ:
+ Biết chấp nhận việc chia ly cũng như gặp gỡ như một lẽ thường tình, một lẽ tự nhiên không thể tránh khỏi trong cuộc sống;
+ Biết hướng tới những điều tích cực, lạc quan, tốt đẹp;
+ Yêu quý, trân trọng những người đang ở bên ta để khi họ có rời đi ta cũng không phải hối tiếc điều gì;
+ Động viên, khích lệ những người đang phải trải qua những cuộc chia ly có suy nghĩ, thái độ lạc quan, tích cực.