Tuyển tập các đề Đọc hiểu bài thơ Nớ hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo.
Nhớ
(Nguyễn Đình Thi)
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ dưới đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây.
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương sớm tối vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn.
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người.
Đọc hiểu bài thơ Nhớ của Nguyễn Đình Thi – Đề số 1
Câu 1: Xác định đề tài của văn bản trên
Câu 2: Hình ảnh ngôi sao, ngọn lửa trong bài thơ có ý nghĩa gì?
Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Câu 4: Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ
Trả lời câu hỏi
Câu 1:
– Đề tài của văn bản trên là về tình yêu đôi lứa gắn với tình yêu đất nước, sẵn sàng chiến đấu cống hiến sức mình cho sự độc lập, tự do của đất nước.
Câu 2:
– Hình ảnh ngôi sao, ngọn lửa trong bài thơ mang ý nghĩa đại diện cho ý chí chiến đấu, sự dũng cảm, quyết tâm, niềm tin và hi vọng của người lính trên hành trình bảo vệ tổ quốc.
Câu 3:
– Biện pháp tu từ so sánh ở hình ảnh “yêu em như yêu đất nước” khẳng định tình yêu của người lính dành cho người thương là lớn lao, bất diệt như tình yêu của anh với đất nước và đồng thời cũng thể hiện ý chí, quyết tâm to lớn bảo vệ đất nước.
Câu 4:
Qua những câu thơ trong bài, nhân vật trữ tình đã bộc lộ lòng mình tình yêu, nỗi nhớ thương người yêu, nỗi nhớ ấy da diết tới mức dù có đang làm gì ăn, ngủ, đi đều nhớ đến. Và qua những dòng tâm tình gửi trong từng lời thơ, nhân vật trữ tình cũng chính là chàng người lính dũng cảm cũng đã thể hiện ý chí, khát vọng, quyết tâm cống hiến hồn mình cho đất nước. Tình cảm anh dành cho người yêu như tình yêu đất nước vĩnh cửu luôn mãnh liệt, dạt dào, cháy bỏng và không bao giờ dập tắt.
Đọc hiểu bài thơ Nhớ của Nguyễn Đình Thi – Đề số 2
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2: Tác giả thể hiện tình cảm, thái độ gì trong văn bản trên?
Câu 3: Chỉ ra và phân tích hiệu quả biểu đạt của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất của văn bản.
Câu 4: Viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 câu so sánh những câu thơ sau:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
(Nhớ – Nguyễn Đình Thi)
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Trả lời câu hỏi
Câu 1:
– Phương thức biếu đạt chủ yếu được sử dụng trong bài thơ Nhớ của Nguyễn Đình Thi là biểu cảm.
Câu 2:
– Qua văn bản trên, chúng ta thấy được rằng tác giả đang thể hiện cảm xúc, tình cảm, nỗi nhớ thương da diết về người thương và một niềm tin, quyết tâm cống hiến cho tổ quốc.
Câu 3:
– Hai biện pháp tu từ được sử dụng trong không thơ thứ nhất là nhân hóa và câu hỏi tu từ:
+ Nhân hóa trong hai hình ảnh “Ngôi sao nhớ ai” và “ngọn lửa nhớ ai” cả hai hình ảnh chỉ sự vật nhưng lại có cảm xúc “nhớ” chỉ có ở con người.
+ Câu hỏi tu từ “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh” đã nhấn mạnh tình yêu, nỗi nhớ thương của chàng lính dành cho người thương, từ đó mà ta càng nhận thấy được tình yêu trong thời chiến thật kì diệu, lấp lánh tựa vì sao, vững chắc và mãi trường tồn.
Câu 4:
Lời thơ của “Nhớ” và “Tiếng hát con tàu” đã mang đến cho người đọc những dòng chảy về tình yêu đôi lứa, đó là những nấc thang cảm xúc ngập tràn màu sắc, là tiếng hát da diết bay bổng trong không gian nhớ thương. Và hơn hết tình yêu ấy đều được gắn với tình yêu đất nước, bất diệt, trường tồn. Để làm phong phú thêm cho từng lời thơ, hai tác giả còn sử dụng biện pháp tu từ so sánh, đưa tình yêu của mình lên một áng mây cao hơn, không bình phàm, giản đơn. Tuy nhiên, mỗi nhà thơ luôn có cho mình một cuốn sách mang phong cách riêng, Nguyễn Đình Thi khắc họa bức tranh tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu đất nước trong câu thơ “Anh yêu em như anh yêu đất nước”, một tình yêu mãnh liệt, da diết,vĩnh cửu. “Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”, sang câu thơ thứ hai, nhà thơ đã gợi mở về những nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách trong tình yêu với hoàn cảnh đất nước đang trong thời kì kháng chiến khốc liệt, chiến trường trở thành vùng đất một khi đã bước chân vào thì rất khó lòng chở ra. Song qua hai câu thơ thể hiện tình yêu vượt lên thảy mọi điều, sinh ly tử biệt không còn là nỗi sợ, mà niềm tin, vẻ đẹp lứa đôi đã trở nên rực rỡ, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ luôn đứng ở vách tử. Đến với lời thơ của Chế Lan Viên, ta ngắm nhìn những hình ảnh độc đáo, gợi lên tình tò mò về nỗi nhớ, tình yêu da diết. Không thẳng thắn ví tình yêu lứa đôi với tình yêu đất nước, Chế Lan Viên để tình yêu gắn với sự kết tinh của tình yêu quê hương, đất nước là hình ảnh cánh kiến hoa vàng, xuân đến chim rừng lông trở biếc. Tình yêu ấy nhiệt huyết, ngập tràn sức sống, sôi động, khiến con người ta không khỏi xao xuyến, khắc ghi trong trái tim mình.
Đọc hiểu bài thơ Nhớ của Nguyễn Đình Thi – Đề số 3
Câu 1: Đoạn thơ đầu gợi ra khung cảnh gì?
Câu 2: Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình được thể hiện bằng những biện pháp tu từ nào? Phân tích giá trị biểu đạt.
Câu 3: Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai?
Câu 4: Tình cảm lớn nhất mà tác giả đề cập đến trong đoạn thơ là gì?
Trả lời câu hỏi
Câu 1:
– Đoạn thơ đầu gợi ra khung cảnh người lính đang trên đường hành quân, băng qua những đèo mây, núi rừng đầy rẫy hiểm trở, trên con đường u tối ấy những ánh sao sáng trên bầu trời đêm đã dẫn lối anh vững bước tiếp. Trong cái đêm lạnh giá nơi núi rừng, ngọn lửa rực cháy sưởi ấm xóa tan nỗi cô đơn, lạnh lẽo trong trái tim người lính.
Câu 2:
– Nỗi nhớ của nhân vật trữ trình được thể hiện bằng biện pháp:
+ Nhân hóa “Ngôi sao nhớ ai”, “Ngọn lửa nhớ ai”.
+ Ẩn dụ “soi sáng đường, sưởi ấm lòng”
-> Với hai biện pháp tu từ trên đã đưa khung cảnh nơi chiến trường trở nên sinh động, chân thật và giàu cung bậc cảm xúc. Đồng thời tác giả cũng bày tỏ lòng thương xót, sự đồng cảm, thấu hiểu đối với tình yêu, nỗi nhớ da diết của người chiến sĩ với người thương.
Câu 3:
– Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là người chiến sĩ trên chặng đường hành quân ra chiến trường, cống hiến sinh mệnh cho Tổ quốc.
Câu 4:
Tình cảm lớn nhất mà tác giả đề cập đến trong đoạn thơ chính là tình cảm dành cho tổ quốc, nơi có gia đình, quê hương, người anh thương ở đó. Tình cảm ấy trở thành động lực to lớn đi cùng với anh trên hành trình bảo vệ, xây dựng đất nước.