Đọc đoạn trích sau:
(1) Căn bệnh tự bào chữa là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt lớn giữa một người có khả năng và một người bất lực trong kiểm soát hành động và suy nghĩ của chính mình. Một người càng thành công bao nhiêu, lại càng ít biện hộ bấy nhiêu. Còn những người chưa gặt hái được thành quả gì trong hành trang cuộc sống, hoặc không hề có kế hoạch gì cho tương lai thì thường viện dẫn rất nhiều lí do để bào chữa cho hiện trạng của mình.
(2) Khi quan sát và tìm hiểu những người dẫn đầu trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là kinh doanh, giáo dục hay trong quân đội, bạn sẽ thấy: nếu muốn an phận, họ vẫn có thể đưa ra những lời biện bạch như người bình thường vẫn làm, nhưng họ chẳng bao giờ làm như vậy cả. Quả thực, nếu muốn Roosevelt có thể viện cớ vào đôi chân tật nguyền của ông, Truman có thể biện bạch ông chưa hè học đại học, cũng như Kenedy vẫn có thể kêu ca “tôi còn quá trẻ, làm sao làm tổng thống được!” hay Johnson và Eisenhower có thể vin vào những cơn đau khủng khiếp thường xuyên để từ chối nhận lãnh trọng trách quốc gia.
(3) Cũng giống như bất cứ căn bệnh nào khác, chứng “tự bào chữa sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách […] Chính vì vậy nếu bạn thực sự quyết tâm và muốn hướng đến thành công thì cần phải bắt tay ngay vào bước thứ nhất – tự tạo ra một loại vắc-xin tiêu diệt tận gốc từng tế bào của căn bệnh nguy hiểm này”.
(Trích Dám nghĩ lớn – David J. Schawartz, Ph. D., NXB Tổng hợp TP. HCM, 2011, tr. 33-35)
Thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5:
Câu 1. Vấn đề nghị luận của đoạn trích trên là gì?
Câu 2. Theo đoạn trích, nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt lớn giữa một người có khả năng và một người bất lực trong kiểm soát hành động và suy nghĩ của chính mình.
Câu 3. Hãy chỉ ra tác dụng của phép đối được dùng trong đoạn (1).
Câu 4. Lí lẽ và dẫn chứng tác giả đưa ra trong đoạn (2) có phù hợp với vấn đề nghị luận không? Vì sao?
Câu 5. Từ quan điểm tự bào chữa sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách, Anh/ Chị rút ra được bài học gì cho bản thân?
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1. Vấn đề nghị luận của đoạn trích: tác hại của thói quen tự bào chữa.
Câu 2. Theo đoạn trích, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt lớn giữa một người có khả năng và một người bất lực trong kiểm soát hành động và suy nghĩ của chính mình là căn bệnh tự bào chữa.
Câu 3.
– Biện pháp đối lập: người thành công ít biện hộ. Người chưa gặt hái được thành quả thì viện lí do để bào chữa.
– Tác dụng: Làm nổi bật sự tương phản về hành động và suy nghĩ của người thành công và người chưa gặt hái được thành quả.
Câu 4.
– Lí lẽ và dẫn chứng tác giả đưa ra trong đoạn (2) phù hợp với vấn đề nghị luận.
– Vì:
+ Vấn đề chính mà tác giả đang thảo luận là tác hại của bệnh “tự bào chữa”. Trong đoạn (2), tác giả dùng các dẫn chứng về những người nổi tiếng như Roosevelt, Truman, Kenedy, Johnson, và Eisenhower để chứng minh rằng dù họ có những lý do để biện bạch cho hoàn cảnh của mình, họ vẫn không làm như vậy.
+ Các dẫn chứng cụ thể càng làm tăng tính thuyết phục cho lập luận.
Như vậy, các lý lẽ và dẫn chứng trong đoạn (2) hoàn toàn phù hợp với vấn đề nghị luận, góp phần củng cố lập luận của tác giả về sự cần thiết phải loại bỏ thói quen tự bào chữa để đạt được thành công.
Câu 5.
Bài học: Trong cuộc sống, chúng ta không nên đưa ra những lí lẽ để bào chữa cho khuyết điểm của bản thân, đổ lỗi cho người khác mà hãy tự nỗ lực bằng khả năng của bản thân mình thì mới gặt hái được thành công.