Trả lời 8 câu hỏi Đọc hiểu Hai chữ nước nhà (Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm)

Bình chọn

Đọc đoạn trích dưới đây:

Hai chữ nước nhà
(Trích)
– Trần Tuấn Khải –

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi
Để quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau…
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con

Con nên nhớ tổ tông khi trước
Đã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây.
(…)

* Chú thích:

(1) Trần Tuấn Khải: Tên thật là Nguyễn Tuấn Khải (1895- 1983), bút hiệu là Á Nam. Quê quán tại làng Quang Xán, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là một nhà yêu nước; thường mượn những đề tài lịch sử, hoặc những biểu tượng nghệ thuật để bộc lộ nỗi đau mất nước, nỗi căm thù quân giặc thêm vào đó là khích lệ tinh thần yêu nước của đồng bào, tỏ lòng khát khao độc lập, tự do. Trần Tuấn Khải có một số tác phẩm tiêu biểu như Bút quan hoài I, II; Với sơn hà I, II… Thơ ông viết nổi tiếng nhất là những bài thơ theo thể loại cổ truyền của dân tộc như lục bát, song thất lục bát…

(2) Hai chữ nước nhà: Là bài thơ đầu tiên trong tập “Bút quan hoài” của Trần Tuấn Khải. Bài thơ sử dụng thành công thể thơ song thất lục bát.

Trả lời 8 câu hỏi Đọc hiểu Hai chữ nước nhà (Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm)

Câu 1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào? Em có nhận xét gì về giọng điệu của đoạn thơ trích dẫn?

Trả lời

– Thể thơ: Song thất lục bát.

– Giọng điệu của đoạn thơ: Lâm li, chan chứa tình cảm, thể hiện nỗi lòng đau đớn, thống thiết đối với đất nước và giống nòi.

Câu 2. Đoạn thơ là lời của ai nói với ai? Nói trong hoàn cảnh nào?

Trả lời

– Đoạn thơ là lời của người cha nói với con.

– Nói trong hoàn cảnh: Trước giờ li biệt (trong cảnh nước mất nhà tan).

Câu 3. Nêu nhận xét về bối cảnh không gian, hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ in đậm ở trên.

Trả lời

Nhận xét về:

– Bối cảnh không gian: Xa xôi (nơi tận cùng Tổ quốc), bao trùm màu tang tóc và nhuốm sầu nơi lòng người.

– Hoàn cảnh: Éo le

– Tâm trạng của nhân vật trữ tình: Đau đớn tột cùng.

Câu 4. Chỉ ra ít nhất hai thành ngữ có trong đoạn trích.

Trả lời

Các thành ngữ: hổ thét chim kêu, xương rừng máu sông.

Câu 5. Phân tích tác dụng của phép tu từ nhân hoá được sử dụng trong khổ thơ sau:

Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu,
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình.

Trả lời

– Phép tu từ nhân hoá: “mây sầu”, “gió thảm”

– Tác dụng:

+ Làm cho câu thơ sinh động, giàu hình ảnh, tăng giá trị biểu cảm

+ Nhấn mạnh khung cảnh đìu hiu, ảm đạm khi hai cha con phải chia li trong cảnh mất nước

+ Thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu và xót xa của tác giả.

Câu 6. Nêu khái quát nội dung của đoạn trích trên.

Trả lời

– Qua đoạn trích phần đầu Hai chữ nước nhà, tác giả đã mượn một câu chuyện lịch sử có sức gợi cảm vô cùng lớn để bộc lộ được tình cảm mãnh liệt với đất nước, khích lệ lòng yêu nước của đồng bào, dân tộc.

– Đoạn mở đầu là nỗi lòng người cha trong cảnh ngộ éo le, đau đớn.

Câu 7. Nhận xét về tâm trạng của người cha trong đoạn trích trên.

Trả lời

– Tâm trạng người cha: buồn, đau xót thể hiện qua các hình ảnh:

+ “Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước

Chút thân tàn lần bước dặm khơi”

– Những hình ảnh ẩn dụ: nói lên nhiệt huyết yêu nước sâu thẳm cùng cảnh ngộ

=> Sự bất lực, đau khổ của người cha.

+ “ Tầm tã châu rơi” → là giọt nước mắt xót thương cho con, xót thương cho mình, xót thương cho cảnh ngộ nước mất nhà tan.

– Khuyên con trở về lo việc nước.

⇒ Lời khuyên như lời trăng trối thiêng liêng, xúc động.

Câu 8. Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh “Ngọn cờ độc lập”, em hiểu hình ảnh này có ý nghĩa gì?

Trả lời

Hình ảnh “Ngọn cờ độc lập” có ý nghĩa: Thể hiện niềm tin vào chiến thắng đang đến rất gần.