Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Ngày còn bé ta mơ trăng tháng Tám
Giữa đêm rằm bầy cỗ, vui chơi
Cùng bạn nhỏ rước đèn múa hát
Trống ếch lùng tùng náo nức trăng vui.
Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng
Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu
Trải tâm tư dưới trời trăng sáng
Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu !
Chỉ thế thôi ư ? Ta còn mơ ước
Thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời
Những vần thơ cùng du hành vũ trụ
Sưởi ấm vừng trăng lạnh niềm vui.
Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp
Theo những con tàu cập bến các vì sao
Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng
Biết bay rồi, ta lại muốn bay cao.
(Khát vọng, Xuân Quỳnh, in trong tập thơ Tơ tằm – Chồi biếc, Nhà xuất bản Văn học, 1963)
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ?
Trả lời
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh thể hiện ước mơ của nhân vật “ta” trong khổ thơ thứ nhất?
Trả lời
Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện ước mơ của nhân vật “ta” là : bày cỗ, vui chơi, rước đèn, múa hát
Câu 3. Việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong khổ thơ cuối bài có tác dụng gì?
Trả lời
– Biện pháp tu từ so sánh : khát vọng – ta còn bay khắp; theo những con tàu cập bến các vì sao
– Tác dụng:
+ Làm nổi bật khát vọng bay bổng, lãng mạn muốn chinh phục, khám phá thiên nhiên của nhân vật xưng “ta”.
+ Giúp cho câu thơ giàu hình ảnh, biểu cảm, tăng hiệu quả diễn đạt.
Câu 4. Tác giả đã bộc lộ những tình cảm, cảm xúc nào qua bài thơ?
Trả lời
Tác giả thể hiện một khát vọng sống mãnh liệt theo từng mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời. Qua đó thể hiện niềm tin yêu vào cuộc sống và mong muốn thể hiện cũng như phát triển bản thân theo chiều hướng tốt đẹp nhất.
Câu 5. Qua bài thơ trên, tác giả Xuân Quỳnh muốn gửi đến chúng ta thông điệp gì? Thông điệp ấy có ý nghĩa như thế nào đối với em?
Trả lời
Bài thơ khắc họa hành trình trưởng thành của con người qua những ước mơ. Từ những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên, mơ ước giản dị bên ánh trăng rằm, con người lớn lên với những khát vọng ngày càng lớn lao hơn. Không chỉ mong muốn hạnh phúc và yêu thương, mà còn khao khát sáng tạo, cống hiến, chinh phục những tầm cao mới. Bài thơ nhấn mạnh rằng ước mơ là động lực để con người không ngừng vươn xa, khám phá và vượt qua giới hạn của bản thân, biến những hoài bão thành hiện thực.
Câu 6. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của em về nội dung đoạn thơ sau:
Ngày còn bé ta mơ trăng tháng Tám
Giữa đêm rằm bầy cỗ, vui chơi
Cùng bạn nhỏ rước đèn múa hát
Trống ếch lùng tùng náo nức trăng vui.
Trả lời
Gợi ý về nội dung đoạn thơ: Đoạn thơ với hình ảnh của tuổi thơ và ký ức về việc mơ về trăng trong tháng Tám với cảnh vui chơi, bày cỗ, và hoạt động múa hát trong bối cảnh lễ hội, tạo nên không khí ấm áp và hạnh phúc.