Hướng dẫn trả lời câu hỏi Đọc hiểu Mấu chốt của thành đạt là ở đâu (Trò chuyện với bạn trẻ) có đáp án. Kèm theo đề thi học kì 1 lớp 12 môn Ngữ Văn chi tiết, đầy đủ.
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Mấu chốt của thành đạt là ở đâu? Có người nói thành đạt là do gặp thời, có người lại cho là do hoàn cảnh bức bách, có người cho là do có điều kiện được học tập, có người lại cho là do có tài năng trời cho. Các ý kiến đó mỗi ý chỉ nói tới một nguyên nhân, mà lại đều là nguyên nhân khách quan, họ quên mất nguyên nhân chủ quan của con người.
Thật vậy. Gặp thời tức là gặp may, có cơ hội, nhưng nếu chủ quan không chuẩn bị thì cơ hội cũng sẽ qua đi. Hoàn cảnh bức bách tức là hoàn cảnh khó khăn buộc phải khắc phục. Nhưng gặp hoàn cảnh ấy có người bi quan, thất vọng, chán nản, thối chí; có người lại gồng mình vượt qua. Điều kiện học tập cũng vậy, có người được cha mẹ tạo cho mọi điều kiện thuận lợi, nhưng lại mải chơi, ăn diện, kết quả học tập rất bình thường. Nói tới tài năng thì ai cũng có một chút tài, nhưng đó chỉ mới là một khả năng tiềm tàng, nếu không tìm cách phát huy thì nó cũng bị thui chột. Rút cuộc mấu chốt của thành đạt là ở bản thân chủ quan mỗi người, ở tinh thần kiên trì phấn đấu, học tập không mệt mỏi, lại phải trau dồi đạo đức cho tốt đẹp. Không nên quên rằng, thành đạt tức là làm được một cái gì có ích cho mọi người, cho xã hội, được xã hội thừa nhận.
(Nguyên Hương, Trò chuyện với bạn trẻ; Ngữ văn 9, tập 2, tr.11-12)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Văn bản trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?
Câu 2. Thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong văn bản?
Câu 3. Theo tác giả, mấu chốt của thành đạt là ở đâu?
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị rút ra được từ văn bản trên là gì?
Câu 5. Viết một đoạn văn từ 5 đến 7 câu trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của ý chí, nghị lực đối với sự thành công của mỗi người.
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật “bà cô tôi” trong đoạn văn sau:
Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi: “Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy”. Bà cải chính: “Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa”…
[…]
Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng: “Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi”. Tôi cười: “Lại khó đến thế sao”? Bà cụ nói: “Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không”? À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.”
(Trích Nếp nhà – Nguyễn Khải, dẫn theo Tuyển tập Nguyễn Khải,
tập III, NXB Văn học, 1996)
Câu 2. (4,0 điểm)
Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.
Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon. […]
(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68,
NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017)
Anh/Chị có đồng tình với quan điểm trên không? Hãy trình bày suy nghĩ của bản thân qua một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ).
Đáp án
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thứ biểu đạt: Nghị luận.
Câu 2. Thao tác lập luận chủ yếu: Chứng minh.
Câu 3. Mấu chốt của thành đạt ở: Con người.
Câu 4.Thông điệp: Luôn luôn tin vào bản thân và chính bản thân phải là người lầm chủ thành công của mình.
Câu 5. Trình bày theo quan điểm đảm bảo đúng yêu cầu: Là một yếu tố không thể thiếu, giúp cho con người vững tin hơn trên con đường đến tương lai.
PHẦN II. VIẾT
Câu 1. 1 Phân tích nhân vật “bà cô tôi” trong đoạn văn
Gợi ý:
* Nhân vật “bà cô tôi” có cách tổ chức gia đình; công bằng và tôn trọng con cái; khiêm tốn, tự trọng, coi trọng nếp nhà.
* Nghệ thuật: Cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sắc sảo, kết hợp chuyển đổi điểm nhìn, v.v..
* Đánh giá chung:
– Tác phẩm hay, giàu giá trị nhân văn.
– Tác giả trân trọng con người, trân trọng những nếp sống tinh tế.
Câu 2. Hãy trình bày suy nghĩ của bản thân qua một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ).
Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận theo các ý chính: Tuổi trẻ là khái niệm rộng, miêu tả trạng thái của con người, biết nuôi dưỡng tâm hồn để cuộc sống tươi trẻ, sức sống mạnh mẽ, v.v…
Kết bài: bài học rút ra cho bản thân.