Đọc bài thơ và trả lời câu hỏi:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò… sung chát đào chua…
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm…
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ… mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng
Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương…
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Theo Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn, 2010)
Câu 1. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Trả lời
Bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa được Nguyễn Duy viết trong một dịp giỗ mẹ của ông, và từ những dòng thơ đầu tiên, ta cảm nhận được sự buồn bã và xót xa khi ông nhớ về người phụ nữ đã sớm rời bỏ cuộc đời này và đưa ông trở về với kí ức về dáng vẻ mẹ xa xăm thuở nào, cũng như dáng hình của bà ngoại.
Câu 2. Nội dung chính của bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là gì?
Trả lời
Nội dung chính của bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là niềm tiếc thương, sự xót xa của tác giả khi nhớ về người mẹ quá cố của mình. Bài thơ cũng là niềm thương cảm của tác giả với số phận, cuộc đời vất vả của những người phụ nữ thời xưa, đồng thời cũng muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu thương gia đình, yêu quê hương. Mẹ chính là quê hương và quê hương cũng chính là mẹ.
Câu 3. Biện pháp tu từ trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Trả lời
Các biện pháp tu từ trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là:
+ Lặp cấu trúc (ở hai dòng thơ bao giờ cho tới…)
+ Nhân hóa (trong câu trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm).
+ Ẩn dụ (lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa)
Câu 4. Nhân vật trữ tình trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là ai?
Trả lời
Nhân vật trữ tình trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là tác giả Nguyễn Duy, trong bài chính là nhân vật người con.
Câu 5. Thông điệp của bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là gì?
Trả lời
Thông điệp của bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là Ngợi ca công lao to lớn của mẹ. Làm con phải luôn ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ, đừng làm mẹ phải buồn mà hãy luôn sống xứng đáng với niềm tin, sự kì vọng của mẹ.