Trả lời 5 câu hỏi Đọc hiểu Nỗi buồn chiến tranh

4.3/5 - (3 bình chọn)

Đọc văn bản sau:

Xe đã bám vào được đoạn núi tương đối khô ráo. Sơn tăng được tốc độ lên. Anh ta nói:

– Giải ngũ tôi sẽ thôi lái. Tôi sẽ vác đàn đi hát rong. Hát rong và kể chuyện. Các ông, các bà, các anh, các chị xin hãy nghe tôi kể câu chuyện đau thương này, và sau đó tôi sẽ hát để mọi người nghe bài ca kinh hoàng về thời đại của chúng tôi.

– Cải lương lắm? – Kiên nói – Theo tôi, lẽ ra phải khuyên mọi người hãy quên đi.

– Nhưng làm thế nào mà quên nổi? Sẽ chẳng quên nổi một cái gì.

Dĩ nhiên, Kiên nghĩ, quên thật là khó. Nói chung chẳng biết đến bao giờ thì lòng mình mới có thể nguội nổi, trái tim mình mới thoát khỏi gọng bàn tay xiết chặt của những kỷ niệm chiến tranh. Những kỷ niệm có thể là êm đềm, có thể là ác hại nhưng đều để lại những vết thương mà tới bây giờ một năm đã qua, hay mười năm, hay hai mươi năm nữa vẫn còn đau, đau mãi. Có thể từ rày cuộc đời anh sẽ luôn luôn như thế này chăng: tối tăm, đau khổ nhưng rạng ngời hạnh phúc?

Và có thể giữa mơ với tỉnh, như cheo leo trên bờ vực mà anh sẽ vượt nốt chặng đường đời còn lại. Dù sao thì mới chỉ có hai mươi tám năm sống ở trên đời. Và dù cho đó là khoảng thời gian bị mất, nhưng chẳng phải lỗi của anh, chẳng phải lỗi của anh cả. Hẵng cứ biết rằng anh sẽ còn được sống và từ đây sự sống ấy tùy thuộc anh. Hẵng cứ biết rằng không chỉ là một cuộc đời mới mà còn là cả một thời đại mới đang đến cùng anh phía trước.

(Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1991)

Đọc hiểu Nỗi buồn chiến tranh

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Tác giả đặt điểm nhìn vào nhân vật nào khi viết đoạn văn bản trên?

Trả lời

Tác giả đặt điểm nhìn vào nhân vật Kiên.

Câu 2. Xác định dạng lời văn nghệ thuật trong đoạn văn bản sau:
Nói chung chẳng biết đến bao giờ thì lòng mình mới có thể nguội nổi, trái tim mình mới thoát khỏi gọng bàn tay xiết chặt của những kỷ niệm chiến tranh. Những kỷ niệm có thể là êm đềm, có thể là ác hại nhưng đều để lại những vết thương mà tới bây giờ một năm đã qua, hay mười năm, hay hai mươi năm nữa vẫn còn đau, đau mãi.

Trả lời

Dạng lời văn nghệ thuật trong đoạn văn bản: Lời nửa trực tiếp.

Câu 3. Mục đích của tác giả khi xây dựng cuộc đối thoại giữa Sơn và Kiên là gì?

Trả lời

Mục đích của tác giả khi xây dựng cuộc đối thoại giữa Sơn và Kiên:

– Đối thoại giữa Sơn và Kiên:

+ Sơn muốn sau cuộc chiến hát cho mọi người nghe về cuộc chiến khủng khiếp đã qua.

+ Kiên khuyên nên quên cuộc chiến đi.

– Mục đích của tác giả khi xây dựng cuộc đối thoại giữa Sơn và Kiên:

+ Trên thực tế, những đối thoại này, tác giả xây dựng lên nhằm để khơi gợi đánh thức những suy ngẫm sâu xa trong Kiên về chiến tranh.

+ Tuy đối thoại của Kiên là lời phủ định nhưng có lẽ đó chỉ là những lời nói bên ngoài trước cuộc chiến tàn khốc, đau đớn mà không ai muốn trải qua; còn thực tế bên trong là những kí ức không bao giờ có thể phai nhòa,…

Câu 4. Anh/Chị hiểu nội dung câu văn “Và dù cho đó là khoảng thời gian bị mất, nhưng chẳng phải lỗi của anh, chẳng phải lỗi của ai cả.” như thế nào?

Trả lời

Có thể hiểu nội dung câu văn “Và dù cho đó là khoảng thời gian bị mất, nhưng chẳng phải lỗi của anh, chẳng phải lỗi của ai cả.” như sau:

– “Khoảng thời gian bị mất”: Là khoảng thời gian vô nghĩa lí trong cuộc đời, là khoảng thời gian Kiên không muốn nó tồn tại.

– “nhưng chẳng phải lỗi của anh, chẳng phải lỗi của ai cả”: chiến tranh là điều không ai mong muốn, cả những người lính bên này chiến tuyến và những người lính bên kia chiến tuyến đều không một ai muốn trải qua cuộc chiến này.

=> Câu văn nói lên sự vô nghĩa của chiến tranh. Từ đó, tác giả thể hiện thái độ lên án và căm ghét chiến tranh.

Câu 5. Anh/Chị có đồng ý với suy nghĩ của nhân vật Kiên: anh sẽ còn được sống và từ đây sự sống ấy tùy thuộc anh không? Vì sao?

Trả lời

Suy nghĩ của nhân vật Kiên: anh sẽ còn được sống và từ đây sự sống ấy tùy thuộc anh.

– HS bày tỏ quan điểm: Đồng ý/không đồng ý/đồng ý một phần với suy nghĩ của Kiên.

– HS lí giải hợp lí, thuyết phục, chẳng hạn:

+ Em hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của nhân vật Kiên: anh sẽ còn được sống và từ đây sự sống ấy tùy thuộc anh.

+ Bởi vì:

++ Suy nghĩ của nhân vật Kiên là lời khẳng định về sự sống sẽ không biến mất dù rằng anh đã chứng kiến biết bao nhiêu kinh hoàng trong cuộc chiến.

++ Suy nghĩ đó cũng là niềm tin về sự chủ động nắm lấy cuộc sống của chính mình.

++ Đây là một quan niệm sống rất nhân văn và tích cực, khẳng định con người ta không thể ôm mãi những đau thương, con người cần có sức mạnh vươn lên làm chủ cuộc đời mình, chỉ khi đó sự sống mới bất tận và vĩnh viễn,…