Đọc truyện cười Tam đại con gà và trả lời các câu hỏi:
Xưa có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ.
Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là chim sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: “Dủ dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy vậy, trong lòng vẫn thấp thỏm.
Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới thầm xin khấn ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Thổ công cho ba đài được cả ba.
Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:
-Dủ dỉ là con dù dì… Dủ dỉ là con dù dì…
Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:
-Chết chửa! Chữ “kê” là gà, sao thầy lại dạy ra “dủ dỉ” là con “dù dì”?
Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa”, nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ:
-Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ “kê”, mà “kê” nghĩa là “gà”, nhưng tôi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà kia.
Nhà chủ càng không hiểu, hỏi:
-Tam đại con gà là nghĩa làm sao?
-Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!
Câu 1 Truyện hướng tiếng cười vào đối tượng nào?
Trả lời
Truyện hướng đến đối tượng: những người làm thầy mà “dốt”, đã “dốt” còn tìm cách che đậy.
Câu 2: Tiếng cười trong truyện Tam đại con gà có ý nghĩa gì?
Trả lời
Tiếng cười trong truyện Tam đại con gà có ý nghĩa:
+ Phê phán thầy đồ dốt nát trong xã hội cũ.
+ Phê phán những người dốt mà không chịu học hỏi, dốt mà cứ cố tình che đậy sự dốt nát của mình.
+ Giáo dục, đả kích các tầng lớp trong xã hội.
Câu 3: Hãy cho biết nội dung cười và tình huống gây cười của truyện.
Trả lời
Nội dung cười: cái dốt không che đậy được, càng giấu càng lộ ra, càng làm trò cười cho thiên hạ.
Tình huống gây cười: có 2 tình huống gây cười
+Tình huống 1: Thầy giáo thấy chữ “kê” nhưng không biết chữ gì và dạy học sinh đọc sai.
+Tình huống 2: Bị phụ huynh lật tẩy.
Câu 4: Thầy đồ trong câu chuyện Tam đại con gà là người như thế nào?
Trả lời
Nhân vật “thầy” trong truyện Tam đại con gà chữ ít, nhưng giấu dốt. Dạy sai cho học sinh, khi bị phát hiện thì lại kiếm cớ chữa lỗi của mình. Đã thế, kiến thức không có thì phải đi tìm hiểu ,học tập thêm thì người thầy này lại đi hỏi,tế bái tổ tiên,mê tín.Thầy biết mình không giỏi, nhưng không tìm cách phấn đấu học tập thêm mà lại đi truyền đạt những tri thức sai lệch đến với học sinh.
⇒ Thầy đồ bộc lộ rõ bản chất là một kẻ dốt nát nhưng thích giấu dốt, thích khoe khoang, láu cá, sĩ diện.
Câu 5: Em có nhận xét gì về những điều ông thầy đã làm trong truyện Tam đại con gà?
Trả lời
Những điều ông thầy đã làm trong truyện Tam đại con gà đều trái lẽ tự nhiên, không thể có trong công việc dạy học của một người thầy đích thực.
Câu 6: Anh/Chị rút ra được bài học gì qua truyện cười “Tam đại con gà”
Trả lời
Bài học rút ra: Cần tìm hiểu kĩ càng khi không rõ vấn đề, cái gì không biết thì không nên dạy cho trẻ và không được che đậy cái “dốt” của mình.