Đọc hiểu Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng Không thấy tên lính lệ đấy nữa

5/5 - (1 bình chọn)

Đọc văn bản sau

Không thấy tên lính lệ đấy nữa, ông gật đầu một cái thì bà huyện kệ nệ xích lại gần chồng, nghiêng đầu nghe nói thầm…

– Mợ tính nào là bắt phu, bắt tre, ở tỉnh thế nào người ta cũng cho là mình gặp dịp béo bở, dù không ăn người ta cũng cho là ăn. Như thế không ăn cũng dại. Nếu mà vỡ đê nữa thì họ lại càng tin là mình kiếm chác được nhiều…

Bà huyện vì chưa bao giờ được làm việc quan, nhất là lại việc quan vào những lúc vỡ đê, nên rất kinh ngạc. Bà trợn mắt, cái miệng thành ra tròn y như một chữ o. Mãi mới lắp bắp:

– Kiếm chác?… Vỡ đê mà lại còn kiếm chác?

Ông chồng nổi nóng:

– Bẩm vâng ạ! Nếu vỡ đê thì tất có nhiều chuyện lôi thôi! Tất rồi có thằng lý trưởng này bị cách chức, thằng chánh tổng kia được bát phẩm! Rồi còn cứu tế, còn chẩn bần!

Mặc dầu ngu dại là giống đàn bà, khi người ta đã là vợ một ông huyện thì người ta cũng phải thông minh trước những câu cắt nghĩa mập mờ ấy. Bà gật gù mà rằng:

– À à!

(Vũ Trọng Phụng, Vỡ đê, NXB Văn Học, 2022)

Đọc hiểu Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng Không thấy tên lính lệ đấy nữa

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định ngôi kể trong văn bản trên.

Trả lời

Ngôi kể trong văn bản: Ngôi thứ ba

Câu 2. Liệt kê những lời thoại của bà huyện trong văn bản.

Trả lời

Những lời thoại của bà huyện trong văn bản:

– Kiếm chác?… Vỡ đê mà lại còn kiếm chác?

– À à!

Câu 3. Từ tâm ý của quan huyện trong cuộc đối thoại với vợ, anh/chị hiểu gì về vị quan này?

Trả lời

– Tâm ý của quan huyện trong cuộc đối thoại với vợ: Mặc dù vỡ đê là chuyện hệ trọng với toàn dân nhưng đây chính là cơ hội để bọn thống trị xâu xé.

– Từ tâm ý của quan huyện trong cuộc đối thoại với vợ, giúp ta hiểu:

+ Quan huyện là kẻ lõi đời, thấu hiểu tận cùng bản chất giai cấp mình, đồng thời cũng hiểu rõ bụng dạ thiên hạ và thời thế.

+ Quan huyện cũng là kẻ tâm cơ, tranh thủ, tận dụng mọi thời cơ để kiếm chác, ngay cả khi thiên tai thảm khốc.

+ Quan huyện là hình ảnh tiêu biểu thể hiện bản chất tham lam, xấu xa, tàn độc, bất chấp mọi thủ đoạn của giai cấp thống trị, sẵn sàng ăn trên xương máu và tính mệnh của người dân.

Câu 4. Đặc điểm cơ bản nào của phong cách hiện thực được thể hiện trong văn bản?

Trả lời

Đặc điểm cơ bản của phong cách hiện thực được thể hiện trong văn bản:

– Thể hiện mối quan hệ giữa hoàn cảnh xã hội với sự hình thành tính cách con người: Trong hoàn cảnh vỡ đê vô cùng thảm khốc, nhà văn bóc trần bản chất tham quan lại nhũng bẩn thỉu xấu xa.

– Quan tâm miêu tả một cách chi tiết, “như thật” những hình ảnh phong phú, phức tạp của hiện thực cuộc sống.

+ Đó là hình ảnh một viên quan huyện đầy tâm cơ với những lời tâm sự gan ruột cùng vợ của mình về chiến lược vơ vét.

+ Đó là bà huyện với môi trường sống đặc biệt cũng dần thích ứng với bản chất thống trị.

– Nhà văn Vũ Trọng Phụng không hề “tô vẽ” hay lí tưởng hóa hiện thực.

Câu 5. Anh/Chị suy nghĩ như thế nào về thái độ của nhà văn khi viết những dòng tiểu thuyết trên?

Trả lời

Thái độ của nhà văn khi viết những dòng tiểu thuyết trên:

– Vũ Trọng Phụng căm phẫn mãnh liệt cái xã hội xấu xa, nơi mà giai cấp thống trị tìm mọi cách vơ vét nhân dân.

– Phía sau là niềm xót thương vô hạn của nhà văn đối với số kiếp của những người dân thấp cổ bé họng. Họ khốn cùng không chỉ do thiên tai, địch họa mà còn do giai cấp thống trị tàn ác chà đạp, cướp bóc, đè nén và ép phải rơi vào tình thế bi thảm.

– Ẩn phía sau là khao khát mơ hồ về một sự đổi thay lớn, mong muốn tạo lập một xã hội công bằng, nhân văn,…