Bích Khê là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam thời kì tiền chiến. Hãy cùng Trạm Văn Học tìm hiểu những thông tin về tác giả Bích Khê qua bài viết Giới thiệu tác giả Bích Khê (Tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác) nhé!
Tiểu sử
– Tên thật: Lê Quang Lương.
– Bút hiệu: Bích Khê, Lê Mộng Thu.
– Sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 – Mất ngày 17 tháng 1 năm 1946.
– Quê quán: xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
– Gia đình: sinh ra trong một gia đình nho học yêu nước.
– Học vấn:
+ Theo học tiểu học ở Phước Lộc và Đồng Hới.
+ Học bậc trung học tại Huế.
+ Học ban tú tài tại Hà Nội nhưng chỉ được một nửa thì ông bỏ dở.
– Được mệnh danh là “người công dân trung thành của vương quốc (Trường thơ Loạn)”.
Sự nghiệp
– Năm 1931, khi chỉ mới 15 tuổi, ông đã biết làm thơ Đường luật và ca trù.
– Năm 1934, ông cùng người chị ruột tên là Ngọc Sương chuyển vào Phan Thiết học thêm và mở trường dạy học tư.
– Năm 1936, chị Ngọc sương bị mật thám Pháp bắt, trường học buộc phải đóng cửa. Khi này Bích Khê trở lại quê nhà.
– Năm 1937, ông mắc bệnh phổi, sau khi được điều trị, ông trở về lên sống trên núi Thiên Ấn (thuộc tỉnh Quảng Ngãi).
– Năm 1938, ông lại cùng chị Ngọc Sương (khi ấy chị đã được thả) vào Phan Thiết mở trường dạy học. Trường học mở được vài năm thì lại bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.
– Năm 1941, Bích Khê dạy học ở Huế.
Tác phẩm
– Từ năm 1931 – năm 1936, ông sáng tác các bài viết về ca trù và thơ Đường luật. Những tác phẩm này của ông đã được đăng trên các báo Tiếng Dân, Tiểu thuyết thứ Năm, Người mới…
– Tinh Huyết (1939).
– Tinh Hoa (gồm những tác phẩm được sáng tác từ năm 1938 đến 1944).
– Mấy dòng thơ cũ (tập thơ là tập hợp của khoảng 100 bài thơ Đường luật đã đăng trên các báo từ năm 1931 – năm 1936).
Phong cách sáng tác
– Những tác phẩm của ông đa phần đều mang nét trữ tình, lãng mạn ẩn sâu bên trong cái “loạn” của phong cách thơ. Ông bộc lộ những suy nghĩ, những cảm xúc của mình thông qua thơ ca chứ không phải bằng lời nói. Cái tôi cháy bỏng với cuộc đời đã giúp cho thơ ông được nhiều người yêu mến nhất là đối với tập thơ Tinh Huyết ( được xuất bản năm 1939).
Nhận định, đánh giá
+ Nhà thơ Hàn Mặc Tử: “Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị… Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: Thơ tượng trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc…Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần sự “Đau khổ”…”.
+ Nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân: “Tôi chưa thể nói nhiều về Bích Khê. Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy Tân. Tôi thấy trong đó những câu thơ thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa…Còn các bài khác hoặc chưa xem hoặc mới đọc có đôi ba lần. Mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc…”
+ Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: “Thơ Bích Khê mang rõ phong cách Trường thơ Loạn. Và tính chất tượng trưng là đặc điểm quán xuyến toàn bộ thơ Bích Khê. Làm tăng tính chất tượng trưng ấy là màu sắc được sử dụng êm dịu, chói chang hay huyền ảo; và âm thanh tạo nên chất nhạc du dương cho khá nhiều bài. Tính tượng trưng đôi khi làm biến dạng hẳn cảm giác thực của người đọc và gây nên những ảo giác, khi tiếp xúc với đối tượng diễn tả của Bích Khê; cái chết rùng rợn thành hương sắc, khoái cảm xác thịt trở thành ghê gợn, và ngay cả màu sắc, âm thanh cũng không còn là màu sắc, âm thanh nữa mà trở nên hư hư, thực thực…Tuy nhiên, bút pháp tượng trưng đặc sắc và luôn tìm tòi cái mới ấy, vẫn không che giấu được hai nguồn cảm hứng thường trộn vào nhau và hằn rõ trong thơ Bích khê, đó là nhục cảm và cuồng loạn…”
+ Từ điển Bách khoa Tiếng Việt: “Với “Tinh huyết”, “Thơ mới” chuyển từ lãng mạn sang tượng trưng và siêu thực. Ở “Tinh huyết” phần lớn là bí hiểm, nhưng vẫn có thể nhìn thấy trong đó một hồn thơ đắm đuối, cuồng nhiệt. Nhà thơ có nhiều tìm tòi đổi mới thơ ca theo hướng chủ nghĩa hiện đại, đi sâu vào cõi vô thức. Có một số bài, một số câu ý tứ mới mẻ, nhạc điệu du dương…”