Bồ Tùng Linh là một tác giả nổi tiếng của Trung Quốc. Hãy cùng Trạm Văn Học tìm hiểu những thông tin về tác giả Bồ Tùng Linh qua bài viết Giới thiệu tác giả Bồ Tùng Linh (Tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác) nhé!
Tiểu sử
– Sinh ngày 5 tháng 6 năm 1640 – Mất ngày 25 tháng 2 năm 1715.
– Tự là Liêu Tiên (留仙) và Kiếm Thần (剑臣).
– Dân gian còn gọi ông với tên gọi là Liễu Tuyền cư sĩ (柳泉居士).
– Quê quán: huyện Truy Xuyên (淄川, nay là một quận của địa cấp thị Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).
– Gia đình: sinh ra trong một gia đình tiểu thương.
– Từ nhỏ ông đã sáng tác văn chương tuy rằng không chuyên. Mãi đến sau này, khi đã được tiếp xúc sâu hơn với học thuật, ông mới bộc lộ hứng thú với các môn như thiên văn, nông trang, y dược…
Sự nghiệp
– Năm Thuận Trị thứ 14 (1657), khi này tuy chỉ mới 18 tuổi nhưng ông đã đỗ tú tài.
– Năm Khang Hi thứ 50 (1710), khi này ông đã 71 tuổi mới được bổ nhiệm làm cống sinh.
Sáng tác
– Đoản thiên tiểu thuyết Liêu trai chí dị. Tác phẩm bao gồm 16 quyển, được chia làm 431 tập truyện chính và 17 truyện phụ. Đây là tác phẩm viết về những câu truyện kỳ quái trong dân gian mà ông đã sưu tầm được.
– Tiểu thuyết Liêu trai văn tập gồm tổng cộng 16 quyển.
– Tiểu thuyết Tỉnh thế nhân duyên truyện (醒世姻緣傳) được viết bằng tiếng Trung bản ngữ.
– Tập thơ Liêu trai thi tập gồm 6 quyển. Trong đó có hơn 1000 bài thơ, 170 bài từ, 14 vở ca khúc dân gian và 3 vở tạp kịch.
Phong cách sáng tác
– Theo độc giả đánh giá, thơ ông là một thứ thơ đôn hậu, thuần khiết. Có lẽ bởi vì thơ của ông không chú trọng vào sự mài giũa, gọt đẽo của nghệ thuật thế nên mang đậm sự chân chất, mộc mạc tựa như một lời tâm sự, giãi bày cảm xúc của chính mình đến với độc giả. Qua đó, giúp cho độc giả thấu hiểu, cảm nhận được tiếng lòng của chính bản thân mình. Có lẽ rằng, đó chính là tiếng nói trữ tình của một con người đã từng nếm trải đủ mọi đắng cay mặn ngọt của cuộc đời. Thơ chính là những gì được bộc lộ thông qua sự ảnh hưởng từ cuộc sống khắc khổ của chính bản thân ông. Về văn chương và tiểu thuyết, bộ Liêu trai chí dị là kiệt tác nổi tiếng nhất của ông, tác phẩm đó cũng chính là một đỉnh cao của truyện ngắn cổ điển Trung Quốc. Trong truyện ông đã khéo léo sử dụng các thủ pháp nghệ thuật của truyện truyền kỳ đến mức hoàn chỉnh. Câu truyện vừa thực vừa ảo như càng khiến cho người đọc bị cuốn hút, vừa sợ hãi nhưng cũng lại vô cùng tò mò về diễn biến của câu truyện. Tất cả các môtíp truyền kỳ truyền thống đều đã được nhà văn vận dụng tài tình làm cho các câu truyện càng trở nên kỳ ảo. Đối với độc giả, những câu truyện đó không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, mà còn có giá trị về mặt nhân đạo và đời sống tinh thần. Còn đối với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu thì những tác phẩm của ông chính là nguồn dữ liệu tuyệt vời để khám phá và học hỏi.