Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 02/09/1969) Tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung
– Người là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, đồng thời là nhà văn hoá lớn của nhân loại.
– Quê quán: làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
– Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở một địa phương có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của mình, Hồ Chí Minh đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân, Hồ Chí Minh sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
2. Sự nghiệp
– 1907-1908: Với tên gọi Nguyễn Tất Thành, Người học tại Quốc học Huế
– 1910: Trên đường vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dùng chân, dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết)
– 5/6/1911: Với tên gọi Văn Ba, Người lên tàu Đô đốc Amiral Latouche-Tréville rời bến cảng Sài Gòn sang phương Tây tìm đường cứu nước
– 18/6/1919: Với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người gửi đến Hội nghị hòa bình Versailles “Bản yêu sách của Nhân dân An Nam”
– 1920: Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp
– 7/1920: Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân dân tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, con đường cách mạng vô sản
– 1921: Tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và xuất bản Báo Người cùng khổ (Le Paria) năm 1922
– 1923: Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân
– 1924: Tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, Người được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Sau đó, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc) chọn một số thanh niên Việt Nam yêu nước, trực tiếp mở lớp đào tạo cán bộ
– 1925: Xuất bản cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”; Thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam.
– 1927: Xuất bản cuốn Đường Kách mệnh là kim chỉ nam cho đường lối cách mạng Việt Nam
– 1930: Tại Cửu Long (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thống nhất 03 tổ chức cộng sản ở Việt Nam lấy tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chính cương vẫn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt
– 1931-1933: Với tên gọi Tống Văn Sơ, Người bị thực dân Anh bắt giam giữ ở Hồng Kông
– 1933-1940: Được sự giúp đỡ của Luật sư Loseby và Luật sư Jenkin, Người được thả tự do và tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên thế giới
– 28/01/1941: Tại cột mốc số 108 biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Người đặt chân về Việt Nam tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước
– 1942-1943: Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt, giam tại các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)
– 1943-1945: Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc
– 02/9/1945: Tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
– 1946: Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 1, Người được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
– 1951: Tại Đại hội II của Đảng, Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng
– 1953-1954: Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng lãnh đạo quân, dân ta đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954
– 1960: Tại Đại hội III của Đảng, Người được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
3. Tác phẩm
Sự nghiệp sáng tác văn học của Bác in đậm dấu ấn ở 3 thể loại: Văn chính luận, truyện và kí, thơ ca.
* Văn chính luận:
– Viết nhằm mục đích đấu tranh chính trị, tiến công trực diện kẻ thù, thức tỉnh và giác ngộ quần chúng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi sự đoàn kết đấu tranh…
– Những ánh văn chính luận được viết không chỉ bằng lí trí sáng suốt, trí tuệ sắc sảo, lời văn chặt chẽ, súc tích mà còn bằng cả tấm lòng yêu nước nồng nàn của một trái tim vĩ đại.
– Tiêu biểu : Bản án chế độ thực dân Pháp(1925) ; Tuyên ngôn độc lập(1945) ; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến(1946)
* Truyện và kí
– Viết nhằm tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo, xảo trá của thực dân phong kiến tay sai và đề cao tấm lòng yêu nước của nhân dân.
– Bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tác giả tạo nên những tình huống truyện độc đáo, bằng trí tưởng tượng phong phú, trí tuệ sắc sảo và vốn kiến thức văn hoá sâu rộng.
– Tiêu biểu : Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922) ; Vi hàng (1923) ; Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925) ; Nhật ký chìm tàu (1931) ; Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963)
*Thơ ca
– Đây là lĩnh vực sáng tạo nổi bật nhất trong sự nghiệp văn học của Bác. Thơ của Người thể hiện tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, tài hoa, một tấm gương nghị lực phi thường và nhân cách cao đẹp của một chiến sĩ cách mạng.
– Người để lại hơn 250 bài thơ, được in trong 3 tập thơ: Nhật ký trong tù gồm 134 bài; Thơ Hồ Chí Minh gồm 86 bài; Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh gồm 36 bài.
4. Phong cách sáng tác
– Trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, với một lòng yêu nước cháy bỏng, Người nhận ra văn chương cũng chính là vũ khí đấu tranh cách mạng. Văn chương vừa là một thứ vũ khí, vừa là động lực thúc đẩy nhân dân chiến đấu. Bác cho rằng văn chương trong thời đại cách mạng phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ.
+ Trong văn chính luận: Lời văn mặc dù ngắn gọn nhưng vẫn thể hiện rõ tư duy sắc sảo, tập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giàu tính chiến đấu và đa dạng về bút pháp.
+ Trong truyện và kí: Lời văn mang tính hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ, nghệ thuật trào phúng vừa sắc bén, thâm thuý của phương Đông, vừa hài hước hóm hỉnh của phương Tây.
+ Trong thơ ca: Lời lẽ giản dị, mộc mạc, mang màu sắc dân gian hiện đại, vừa dễ nhớ vừa dễ thuộc, vừa có sức tác động trực tiếp vào tình cảm người đọc, người nghe, giàu chất trữ tình và tính chiến đấu.
– Theo Bác, văn chương là phải phản ánh chân thực cuộc sống và hiện thực cách mạng; noi gương người tốt việc tốt và lên án, phê bình cái xấu. Người cầm bút cần phải chú ý đến hình thức thể hiện, không viết quá cầu kì, xa lạ, quan trọng là hình thức và nội dung phải đảm bảo cả hai yếu tốt là hấp dẫn người đọc. Ngôn từ cần được chọn lọc kĩ càng, bảo đảm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
– Thơ ca của Bác có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại. Nét cổ điển thể hiện ở ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi, nhân vật trữ tình thường có phong thái ung dung, đề tài thiên nhiên chấm phá, nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng. Nét hiện đại thể hiện ở đề tài dân chủ gắn với chính trị, thời sự và cách mạng, chất lãng mạn bay bổng, giọng điệu thâm trầm.
5. Giải thưởng – vinh danh
Từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, trong khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5, lấy năm 1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
6. Nhận định, bình luận
* Quốc tế:
– “Cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói, những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất… Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống đời đời bất diệt”. (Lãnh tụ Cu Ba Fidel Castro)
– “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Từ trong giọng nói đầm ấm, thanh cao của Người, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái bao la toàn thế giới mênh mang như nước đại dương”. (O.Mandenxtam – nhà báo Xô Viết)
– “Thật là một điều hân hạnh được gặp Hồ Chí Minh, con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt. Thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Hồ Chí Minh, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người, tình bạn, lòng nhân ái”. (Thủ tướng Ấn Độ P.J Nehru)
– “Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ và người chiến sỹ vĩ đại đã dâng hiến cả cuộc đời cho tự do và công lý. Chúng tôi cảm thấy châu Á đã mất đi một vị tư lệnh kiên cường, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng sự nghiệp vĩ đại của Người mà nhân dân Việt Nam anh hùng cùng nhân dân các nước đang tiếp tục phấn đấu để thực hiện nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn”. (Abdul Rahman Yahya Al-Eryani, Chủ tịch nước Cộng hòa Yemen)
– “Hồ Chí Minh là tác giả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, cuộc cách mạng với bản chất của nó, trong nguồn gốc của nó, trong cuộc đấu tranh và chiến thắng của nó luôn là nguồn cảm hứng và là người chỉ đường. Và cuối cùng chữ Bác Hồ là chữ đã thể hiện đồng thời tình cảm, sự kính trọng và ý nghĩa của chữ đó. Tấm gương của Bác Hồ tiếp tục là nguồn cảm hứng để không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước.” – (Mighen Đêxtêphanô)
– “Với thân hình gầy gò, chòm râu thưa, chiếc áo khoác đã sờn và đôi dép cao su mòn vẹt, Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là người khiêm tốn và thân thiện. Ông là nhà cách mạng kỳ cựu, người yêu nước nhiệt tình và chân thành, luôn đấu tranh vì mục đích cuối cùng của mình, đó là độc lập cho nước nhà”. (Stanley Karnov)
– “Ông đã bộc lộ các phẩm chất, tài năng của mình và được nhiều người khác công nhận. Ông không phải là người giáo điều. Sự hài hước và tính nhạy cảm của ông tạo ấn tượng sâu sắc trong ký ức những người biết về ông trong những năm 1920. Điều đó cũng thu hút những người gần gũi hay gặp ông trong cuộc sống hàng ngày”. (Nhà sử học người Pháp gốc Việt Pierre Brocheux)
– “Người là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp của một nhà cách mạng, một người nhìn xa trông rộng và một nhà nhân văn vĩ đại”. (K.C Tiagi, Tổng bí thư Đảng Janata dal, Ấn Độ)
* Trong nước:
– “Hồ Chủ tịch là Người rất giàu tình cảm, và vì giàu tình cảm mà Người đi làm cách mạng. Trong thế giới tình cảm bao la của Người dành cho nhân dân cho các cháu nhỏ, cho bầu bạn gần xa, hẳn có một chỗ dành cho tình cảm gia đình.” – Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
– “Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một cách sống hài hòa với tự nhiên, hòa ái với con người; nói đến tư thế ung dung tự tại; nói đến khả năng làm chủ bản thân và ngoại cảnh… Văn hóa nhân cách, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống – đó cũng là một khía cạnh quan trọng, dẫu chỉ là bộ phận trong cuộc đời danh nhân Hồ Chí Minh.” – GS Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học)
– “Hồ Chí Minh am hiểu và rất yêu thích những sáng tác trong kho tàng văn học dân gian, những giá trị văn học cổ điển… Trong thơ ca của mình, Hồ Chí Minh khai thác nhiều tứ thơ, nhiều câu thơ từ trong thơ ca dân gian, thơ ca cổ điển, để thể hiện một tư tưởng mới, một ý tứ mới.” – GS.NGND Hà Minh Đức.
– “Có nhiều căn cứ để tìm hiểu tư tưởng của Người. Trong các căn cứ ấy, thơ văn của Người để lại có một vị trí và tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì xét về thực chất, thơ văn là một hoạt động tư tưởng, trực tiếp, sâu sắc, toàn diện, sinh động và tinh tế nhất.” – GS.NGND Nguyễn Đăng Mạnh.
– “Văn thơ Hồ Chủ tịch đã đóng một vai trò hết sức lớn lao, vai trò hàng đầu trong giới văn nghệ, trong nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.” – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp.