Được mệnh danh là người thả hoài niệm vào dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mang những nhớ mong của mình gắn liền với cố đô Huế thân thương. Hãy cùng Trạm Văn Học tìm hiểu những thông tin về tác giả qua bài Giới thiệu tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường (tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác) nhé!
Tiểu sử
– Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1937 – Mất ngày 24 tháng 7 năm 2023.
– Quê quán: làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
– Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sự nghiệp
– Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán tại trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.
– Năm 1964, ông nhận được bằng Cử nhân triết tại trường Đại học Văn khoa Huế.
– Từ năm 1960 đến năm 1966, ông giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế.
– Từ năm 1966 đến năm 1975, ông thoát ly gia đình để tham gia phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bằng những hoạt động về văn nghệ.
– Năm 1978, ông kết nạp và trở thành thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
– Ông từng làm chức vụ Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên – Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên.
– Ông còn là Tổng biên tập của tạp chí Cửa Việt..
Tác phẩm
– Thể loại bút ký:
+ Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971).
+ Rất nhiều ánh lửa (1979)
+ Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984)
+ Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984)
+ Hoa trái quanh tôi (1995)
+ Huế – di tích và con người (1995)
+ Ngọn núi ảo ảnh (2000)
+ Trong mắt tôi (bút ký phê bình, 2001)
+ Rượu hồng đào chưa uống đã say (truyện ký, 2001)
+ Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (bút ký văn hóa, 2005)
+ Miền cỏ thơm (2007)
+ Ai đã đặt tên cho dòng sông (2010)
+ Lời tạ từ gửi từ một dòng sông (2011)
– Thể loại thơ:
+ Những dấu chân qua thành phố (1976)
+ Người hái phù dung (1992)
– Dạ khúc:
+ Nhàn đàm (1997)
+ Người ham chơi (1998)
+ Miền gái đẹp (2001)
Giải thưởng
– Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1980.
– Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc LH các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 1999, 2008.
– Giải A giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô Huế (1998 – 2003).
– Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2007.
– Giải thưởng văn học nghệ thuật Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất (2015).
Phong cách sáng tác
– Hoàng Phủ Ngọc Tường là người con của Cố đô Huế. Hồn văn của ông như gắn liền với những cảnh vật, những con người, với cuộc sống sinh hoạt của vùng đất Cố đô đầy cổ kính và thơ mộng. Những câu văn của ông như gợi tả nên trong lòng độc giả khung cảnh đầy cuốn hút và huyền bí xuyên suốt chiều dài lịch sử của vùng đất yêu thương. Có ý kiến cho rằng, Huế đã trở thành một vùng thẩm mỹ riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường và quả thực như vậy. Giọng điệu yêu chiều, ngôn ngữ mềm mại, dịu dàng đã tạo nên cho thơ văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường một nét rất riêng của mình. Những tác phẩm của ông luôn được độc giả mọi lứa tuổi đón nhận và ưa thích. Không những vậy, đó còn là những tài liệu quan trọng cho những nghiên cứu của các tác giả, chuyên gia khác.
Nhận xét, đánh giá
+ Nhà văn Nguyễn Tuân: “Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có “rất nhiều ánh lửa”.”
+ Nhà văn Nguyên Ngọc: “Trong một cuốn sách gần đây của anh, viết và in ngay giữa những ngày anh đang vật lộn với cơn bệnh nặng-chứng tỏ ở anh một đức tính dũng cảm và một nghị lực phi thường của một người lao động nghệ thuật-anh tự coi mình là “người ham chơi”. Quả thật, anh là một người ham sống đến mê mải, sống và đi, đi để được sống, với đất nước, với nhân dân, với con người, đi say mê và say mê viết về họ…”
+ Nhà thơ Hoàng Cát: “Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phong cách viết bút ký văn học của riêng mình. Thế mạnh của ông là tri thức văn học, triết học, lịch sử, địa lý sâu và rộng, gần như đụng đến vấn đề gì, ở thời điểm nào và ở đâu thì ông vẫn có thể tung hoành thoải mái ngòi bút được…”
+ Nhà thơ Ngô Minh: “Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình…Thực ra, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc…thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những day dứt triết học, từ sâu thẳm thời gian, sâu thẳm đất đai vọng lên trong tâm khảm người đọc. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thấm đẫm “triết học về cái chết…thơ anh buồn mỗi nỗi buồn đứt ruột…Đấy là thơ của cõi âm”… Đó là một nhận xét xác đáng.”
+ Báo mạng Vnexpress: “Dường như trong suốt cuộc đời mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị ám ảnh bởi hoa. Điều đó, dù cuộc đời lận đận những ngày tù cộng với những năm tháng bôn ba khắc nghiệt của chiến tranh vẫn không tước đoạt nổi của ông…Ông viết rất nhiều về hoa và đặc biệt, ông bị ám ảnh bởi sắc diện phù dung.”
+ Nhà văn Trần Đình Sử: “Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hoá và lịch sử của các điều kiện đời sống… Văn anh giàu những tư liệu lấy từ sử sách tri thức khoa học và huyền thoại kí ức cá nhân lóe lên những ánh sáng bất ngờ… Cái mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá bình diện văn hoá với tư liệu lịch sử phong phú và một tâm hồn Huế nồng nàn.”