Là nhà thơ mang trong mình hồn thơ đầy ấn tượng của miền quê Nam Bộ, Hoàng Tố Nguyên đã trở thành một trong những nhà thơ đánh dấu cho sự trưởng thành của thời kì thơ ca Việt Nam. Hãy cùng Trạm Văn Học tìm hiểu những thông tin qua bài viết Giới thiệu tác giả Hoàng Tố Nguyên (tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác) nhé!
Tiểu sử
– Tên khai sinh: Lê Hoằng Mưu.
– Sinh ngày 30 tháng 8 năm 1928 – Mất ngày 30 tháng 6 năm 1975.
– Quê quán: xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
– Học vấn: Sau khi học xong bậc tiểu học tại huyện Gò Công, ông lên Sài Gòn và tiếp tục sự nghiệp học tập của mình tại trường Mỹ thuật Gia Định.
Sự nghiệp
– Năm 1947, ông hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn.
– Từ năm 1947 đến năm 1949, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội học sinh Mỹ thuật kháng chiến Gia Định.
– Từ năm 1949 – năm1950, ông là cán bộ Ty thông tin Thủ Dầu Một. Từ đây ông chuyên vẽ tranh cổ động, làm thơ, viết báo, hoàn thành tốt nhiệm vụ là một cán bộ tuyên truyền.
– Từ năm 1950 – năm 1952, ông trở thành Trưởng Ban Tuyên truyền Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Thủ Dầu Một và Ủy viên Ban chấp hành phân hội văn nghệ liên tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một – Biên Hòa).
– Từ năm 1952 – năm 1954, ông là cán bộ Sở thông tin Nam Bộ. Cũng trong thời kì này, ông cũng là biên tập viên của báo Vì Chúa, vì Tổ quốc của Công giáo kháng chiến Nam Bộ.
– Tới năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác với chức vụ là biên tập viên của báo Văn nghệ và là Ủy viên Thường trực Ban đại diện văn nghệ Nam Bộ.
– Năm 1957, ông là một trong những người sáng lập nên Hội Nhà văn Việt Nam.
– Năm 1959, ông trở về làm biên tập viên của báo Độc lập.
– Năm 1969, ông về xây dựng phong trào văn nghệ tại tỉnh Hà Tây (nay đã được sát nhập vào thành phố Hà Nội).
– Năm 1974, ông chuyển tới công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh Thái Bình.
Tác phẩm
– Từ nhớ đến thương (1950)
– Truyện thơ Đổi đời (1955)
– Truyện thơ Cô gái bần nông sông Hồng (1956)
– Đất nước (1956)
– Gò Me (1957)
– Quê chung (1962)
– Gửi chiến trường chống Mỹ (1966)
– Tên quê hương (1976)
– Từ nhớ đến thương (1980)
– Hậu phương không ngủ (chưa in)
– Bài thơ bên gối cưới (chưa in)
Phong cách sáng tác
– Sau những năm 1949, thơ của ông tuy vẫn mang đặc điểm chung của dòng thơ Tiền chiến với ngôn từ và điển tích cũ. Nhưng thông qua những tác phẩm đó, ta vẫn có thể thấy được một âm hưởng mới, một làn gió mới được thổi vào. Trầm sâu mà khỏe mạnh, sức thuyết phục, lôi cuốn lớn tới nỗi lớp trẻ đều như được thúc giục đi lên đường giải phóng đất nước. Thơ của ông đối lập với những ấn tượng mà mọi người thường nghĩ về ông. Nếu như sự xởi lởi, hay cười mà mọi người nhìn thấy ở ông trong cuộc sống thường nhật sẽ khiến họ nghĩ ông là một người có giọng thơ vui tươi, hồ hởi thì chắc hẳn là đã sai. Thơ dường như là nơi để ông gửi gắm những nỗi niềm, những suy nghĩ, nhớ thương về miền quê Gò Công mà đã lâu ông vẫn không thể được nhìn ngắm lại. Giọng thơ da diết như đang lột tả hết những điều mà ông đã nung nấu trong lòng biết bấy lâu nay. Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi đã khiến những tác phẩm của ông được đông đảo độc giả đón nhận. Không chỉ vậy, mà đối với cả đồng nghiệp của ông cũng coi thơ ông như một áng cỏ thơm của miền Nam được gửi gắm nơi đất Bắc.
Nhận định, đánh giá
– Nhà thơ Chế Lan Viên: “Trong mấy nhà thơ Nam Bộ tập kết ra Bắc hồi ấy, phải nói rằng anh là một trong mấy người có tài hơn cả… Lần đầu tiên khi thơ anh xuất hiện ở Thủ đô, nó đã được nhiều người yêu mến và giới sành thơ trân trọng”.
– Nhà thơ Vân Long: “Với tôi, Hoàng Tố Nguyên là một người bạn thơ đậm đặc chất Nam Bộ duy nhất, một người anh phóng khoáng, cởi mở, chân tình, hết mình với bạn bè, cuộc sống…”.
– Nhà phê bình văn học Thế Phong: “Về bình diện thi ca miền Nam 1945 -1950 chỉ có hai nhà thơ điển hình nhất là Vũ Anh Khanh và Hoàng Tố Nguyên. Họ bao trùm cho các nhà thơ khác như: Ái Lan, Tố Phong, Trúc Khanh, Khổng Dương vv…”.
– Nhà phê bình văn học Thế Phong: “Thơ Hoàng Tố Nguyên truyền cảm người đọc như Tha La của Vũ Anh Khanh. Như Vũ Anh Khanh, Hoàng Tố Nguyên nổi tiếng vì thơ có hình tượng sống mới, tiết tấu âm thanh mới, không dùng sáo ngữ, hoặc điển cố, như bài thơ Sa Cơ của Thẩm Thệ Hà hoặc Hoàng Tấn với Giang san khói lửa mù bay…”.