Giới thiệu tác giả Huy Cận về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Nhà thơ Huy Cận (1919 – 2005) tên khai sinh là Cù Huy Cận, là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới.
– Quê quán: xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
– Ông là một chính khách, từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Việt Nam, ngoài ra ông còn là một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời cũng là một trong những thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới.
2. Sự nghiệp
– Ngày còn bé Huy Cận học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông.
– Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh
– Huy Cận tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó).
– Từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
– Sau cách mạng tháng 8, Huy Cận giữ nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền cách mạng.
– Sau này ông làm thứ trưởng Bộ Văn Hóa, Bộ trưởng đặc trách văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách công tác văn hóa và văn nghệ.
– Từ năm 1984, ông là chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
– Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I,II và VII. Tháng 6, năm 2001, ông được bầu làm viện trưởng Viện hàn lâm Thơ Thế giới.
3. Tác phẩm
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Huy Cận đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như tập thơ “Lửa thiêng” (1940), “Kinh cầu tự” (1942), “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958), “Đất nở hoa” (1960), “Bài thơ cuộc đời” (1963), “Chiến trường gần, Chiến trường xa” (1973), “Hạt lại gieo” (1984), “Ta về với biển” (1997), “Cha ông nghìn thuở” (2002)…
4. Phong cách sáng tác
Huy Cận, một trong những nhà thơ lớn của phong trào Thơ Mới, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền văn học Việt Nam. Mỗi bài thơ của ông đều mang một phong cách đặc biệt, hàm súc và triết lý. Từ những bài thơ đầy nỗi buồn đến những tác phẩm tràn đầy niềm vui và hy vọng, phong cách sáng tác của Huy Cận không chỉ phản ánh sự thay đổi của tác giả mà còn gắn liền với những biến chuyển của thời đại.
– Phong cách sáng tác của Huy Cận trước 1945
Trước Cách mạng tháng 8, thơ Huy Cận thường mang đậm sắc thái u buồn và sầu não. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Pháp và thơ Đường. Tập thơ Lửa Thiêng (1940) là một minh chứng rõ rệt cho phong cách sáng tác của Huy Cận trong giai đoạn này. Thơ ông thời kỳ này thường khắc họa những cảm xúc cô đơn, trăn trở về cuộc đời, thể hiện nỗi buồn sâu thẳm của một thế hệ chưa tìm được lối thoát trong hoàn cảnh xã hội đầy biến động.
Như Xuân Diệu từng nhận xét, thơ của Huy Cận trong giai đoạn này “gọi dậy cái buồn của Đông Á,” phản ánh tâm trạng chung của những con người sống trong thời kỳ đầy ắp bất ổn và biến động.
– Phong cách sáng tác sau 1945
+ Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, phong cách thơ Huy Cận có sự thay đổi rõ rệt. Từ những câu thơ trầm mặc, sầu muộn, thơ ông chuyển sang tươi mới, tràn đầy sức sống, phản ánh hiện thực xã hội đang trên đà đổi mới. Sau khi đất nước giành độc lập, niềm vui của đất nước tự do và sự khởi sắc của cuộc sống đã được Huy Cận khắc họa rõ nét trong những tác phẩm của mình. Tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (1958) và Đất nở hoa (1960) là những ví dụ điển hình cho sự chuyển mình của nhà thơ.
+ Thơ Huy Cận sau 1945 không còn cái buồn ảm đạm như trước mà thay vào đó là sự phấn khởi, niềm tin vào tương lai tươi sáng. Ông mô tả những hình ảnh người lao động hăng say xây dựng đất nước, và những hình ảnh thiên nhiên tràn đầy sinh khí, tạo cảm hứng mạnh mẽ cho cả tác giả lẫn người đọc. Đây là thơ ca của một thời đại mới, đầy lạc quan và hy vọng.
+ Sở dĩ phong cách thơ của Huy Cận thay đổi chủ yếu là do tác động từ thực tiễn cuộc sống và những biến động xã hội. Trước cách mạng, thơ ông u buồn vì chịu ảnh hưởng của văn học Pháp và thơ Đường, nhưng sau Cách mạng tháng 8, nhà thơ không thể tiếp tục sống trong những suy tư ảm đạm. Ông cần phải phản ánh sự thay đổi của xã hội, của đất nước, và của chính cuộc sống mình.
+ Một ví dụ điển hình cho sự chuyển mình này là bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, một tác phẩm nổi bật đánh dấu sự thay đổi trong phong cách sáng tác của Huy Cận. Cái thuyền của ông, từng cô đơn trong những năm tháng trước cách mạng, giờ đây tràn đầy sức sống, niềm vui và khát vọng, phản ánh sự đổi mới của thiên nhiên và đất nước sau chiến tranh.
=> Như vậy, phong cách sáng tác của Huy Cận trước và sau 1945 có sự thay đổi lớn, nhưng luôn gắn liền với hiện thực của cuộc sống và thời đại. Trước Cách mạng, thơ ông mang đậm nỗi buồn và sự u uất, nhưng sau 1945, thơ của ông đã hòa nhập với niềm vui, sự phấn khởi và những khát vọng mới của đất nước. Cả hai giai đoạn đều thể hiện được bản sắc riêng biệt của nhà thơ, cũng như sự thay đổi trong tâm hồn và tầm nhìn của ông đối với cuộc sống.
5. Giải thưởng – vinh danh
– Năm 1996, Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
– Tháng 06/2001, Huy Cận được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.
– Ngày 23/02/2005, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.
– Ở một số thành phố đã có đường phố mang tên nhà thơ Huy Cận như Đồng Hới, Quảng Bình (nối Nguyễn Bỉnh Khiêm với Mạc Đĩnh Chi)… Ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh (quê ông), có Trường Trung học phổ thông mang tên Cù Huy Cận.
6. Nhận định, bình luận
– Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu Giang sơn Tổ quốc. – Xuân Diệu
– Huy Cận như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian. – Xuân Diệu
– Cái buồn “Lửa Thiêng” là cái buồn tỏa ra từ đáy hồn một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh. – Hoài Thanh
– Bài thơ hầu như trở thành cổ điển, của một nhà “Thơ mới”. Vào một cách dõng dạc, đàng hoàng, vì đây là “đại giang”, là sông lớn, ví dụ như sông Hồng; là tràng giang: rộng bao gồm cả trường giang: dài; sầu trăm ngả chứ không phải là ít ngả, vì là sông lớn… Hơi thở cổ điển là đúng…duy câu thứ tư thì là hiện đại; thơ truyền thống của cha ông ta không đưa cái nét hiện thực, thực tế, nôm na, chân thật đến sống sít, là củi một cành khô trôi đi trên sông. – Xuân Diệu