Giới thiệu tác giả Kim Lân về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu tiểu, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Nguyễn Văn Tài (1 tháng 8 năm 1920 – 20 tháng 7 năm 2007), thường được biết đến với bút danh Kim Lân, là một nhà văn, diễn viên Việt Nam.
– Ông quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay thuộc phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh.
2. Sự nghiệp
– Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học rồi đi làm. Nhà văn Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Ông viết nhiều về nông thôn Việt Nam, về cuộc sống lam lũ vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Ông được biết đến với các tác phẩm văn học như “Vợ nhặt”, “Làng”…
– Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn và viết về làng quê Việt Nam – mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông được nhiều người biết đến như tập truyện ngắn “Nên vợ nên chồng” (1955), tập truyện ngắn “Con chó xấu xí” (1962).
– Ngoài sáng tác văn học, nhà văn Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch. Một số vai tiêu biểu ông tham gia diễn xuất có thể kể đến như vai lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, Lý Cựu trong phim “Chị Dậu”, cụ lang Tâm trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”…
3. Tác phẩm tiêu biểu
* Sáng tác tiêu biểu:
– Nên vợ nên chồng (trong tập truyện ngắn 1955)
– Làng (1948)
– Vợ nhặt (in trong tập truyện ngắn Con chó xấu xí năm 1962)
– Con chó xấu xí (tập truyện ngắn 1962)
* Vai diễn tiêu biểu:
– Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy
– Lý Cựu trong phim Chị Dậu
– Lão Pẩu trong phim Con Vá
– Cả Khiết trong vở Cái tủ chè của Vũ Trọng Can
– Cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm
– Bủ vả và Pụ Pạng xử kiện trong phim Vợ Chồng A Phủ
– Vai ông bố làm vàng mã trong phim Những giấc mơ bằng giấy
– Cụ thủ nhang trong phim Trạng Quỳnh (1989)
4. Phong cách sáng tác
Đề tài quen thuộc trong sáng tác của Kim Lân là làng quê vùng Kinh Bắc, hồn vía làng quê quan họ thấm đẫm trong tâm hồn ông và đi vào tác phẩm của ông theo một sắc thái riêng biệt. Nhà văn đã để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng khó quên về phong cách của một ngòi bút bình dị mà đặc sắc, tài hoa và khó trộn lẫn, ít phôi pha theo thời gian.
5. Giải thưởng – vinh danh
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1) năm 2001.
6. Nhận định, bình luận
– “Nhà văn Kim Lân chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường, một phận người tử tế. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít. Điều này cũng là thiệt thòi cho ông và cả nền văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ 20” – GS Phong Lê
– “Thành công của Kim Lân, ngoài ý thức nghiêm túc về lao động nghệ thuật, chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh, và một vốn sống tự nhiên của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng” – Tiến sĩ Trần Đăng Suyền
– “Nhà văn Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, nêu một tấm gương cao đẹp về lòng yêu mến, gắn bó mật thiết với cách mạng và kháng chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh nhà văn để lại cho hậu thế những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm văn chương Việt, tâm hồn Việt” – Hữu Thỉnh