Giới thiệu tác giả Lê Văn Thảo (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Bình chọn

Giới thiệu tác giả Lê Văn Thảo về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, quan niệm sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

Giới thiệu tác giả Lê Văn Thảo về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, quan niệm sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

1. Tiểu sử

– Nhà văn Lê Văn Thảo (1939 – 2016) tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

– Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975.

– Lê Văn Thảo được xem là cây bút gạo cội trong dòng văn học Nam bộ.

Giới thiệu tác giả Lê Văn Thảo (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

2. Sự nghiệp

– Nhà văn Lê Văn Thảo lớn lên ở An Giang, sau đó lên Sài Gòn học toán ở Đại học Khoa học tự nhiên.

– Năm 1962 ông thoát ly lên chiến khu làm công tác văn hóa văn nghệ, làm việc ở Hội Văn nghệ Giải phóng.

– Ông bắt đầu viết văn từ năm 1965 với đề tài nông thôn, chiến tranh du kích.

– Năm 1965 – 1967 ông được biệt phái về Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ.

– Năm 1968, ông tham gia chiến dịch Mậu Thân ở Sài Gòn.

– Sau năm 1975 ông về Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, công tác ở báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

– Ông từng giữ cương vị Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2000 – 2010, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khóa VII (2005 – 2010).

3. Tác phẩm tiêu biểu

– Ngoài mặt trận (truyện và ký, 1969).

– Từ thế cao (ký sự, 1970).

– Đêm Tháp Mười (tập truyện ngắn, 1972).

– Bên lở bên bồi (tập truyện ngắn, 1978).

– Chuyện xã tôi (truyện vừa, 1980).

– Cửa sổ màu xanh (tập truyện ngắn, 1981).

– Câu chuyện 20 năm (tập truyện ngắn, 1985).

– Buổi chiều và sáng hôm sau (tập truyện ngắn, 1986).

– Ngôi nhà có hàng rào song sắt (tiểu thuyết, 1988).

– Chuyện nhỏ tình yêu (tập truyện ngắn, 1992).

– Con đường xuyên rừng (tiểu thuyết, 1995).

– Ông cá hô (tập truyện ngắn, 1995).

– Một ngày và một đời (tiểu thuyết, 1997).

– Cơn giông (tiểu thuyết, 2002).

4. Quan niệm sáng tác

Nhà văn Lê Văn Thảo đã từng chia sẻ: “Văn chương với tôi là lẽ sống, là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống tôi trải lòng với mọi người. Tôi viết từ những thực tế đã sống qua, đồng hành với nhân dân mình trong công cuộc lao động và chiến đấu. Tôi gần gũi nhiều hơn với những người bình thường, những người nghèo khổ, dân dã, những người có thân phận hẩm hiu, bất hạnh.

Tôi viết chậm rãi tự nhiên, coi lao động nghề văn cũng lao tâm khổ tứ như mọi nghề khác. Tôi viết từ thôi thúc của bản thân cũng là thôi thúc của cuộc đời. Được lao động sáng tác, được trăn trở, miệt mài trên trang viết với nhân vật, đó là hạnh phúc văn chương mang lại cho tôi.”

5. Giải thưởng – vinh danh

– Giải A tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam, 1997. (tiểu thuyết Một ngày và một đời)

– Giải B của Hội nhà văn Việt Nam, 2003 (tiểu thuyết, Cơn giông)

– Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2006. (tiểu thuyết, Cơn giông)

– Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007

– Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt 4 năm 2012 cho các tác phẩm: Con đường xuyên rừng, Tuyển tập truyện ngắn.

6. Nhận định, bình luận

Nhà văn Bích Ngân đã từng viết: “Ở tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Lê Văn Thảo khi ông đã ngoài 70, ông không chỉ nói về những xô đẩy của thời cuộc, của lòng người; cũng không dừng lại việc mô tả sự khốc liệt của chiến tranh với hậu quả cuộc chiến với những mảnh bom và những phận người sau chiến tranh cùng những tàn dư sót lại khi cuộc chiến đã kết thúc, mà còn như là sự mở ra cho một cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại lớn về phận người, về nhân dân và cả nhân loại”.