Giới thiệu tác giả Lò Cao Nhum (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Giới thiệu tác giả Lò Cao Nhum về tiểu sử, các tác phẩm chính, quan điểm sáng tác, giải thưởng và vinh danh

Giới thiệu tác giả Lò Cao Nhum về tiểu sử, các tác phẩm chính, quan điểm sáng tác, giải thưởng và vinh danh

1.Tiểu sử

– Nhà thơ Lò Cao Nhum, sinh ngày 09.6.1955, quê quán Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, người dân tộc Thái. Hội viên Hội Nhà văn năm 2001.

– Quá trình học tập, công tác, sáng tác: Nhà thơ Lò Cao Nhum là Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình các nhiệm kỳ 2,3,4 (từ năm 1995 đến 2017); Ủy viên Ban Thường vụ Hội VHNT Hòa Bình nhiệm kỳ 4; Ủy viên Ban Văn học dân tộc miền núi Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 7; Ủy viên Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 8; Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam nhiệm kỳ 2014 – 2019; nguyên Phó Tổng biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn báo Văn nghệ Hòa Bình.

2.Các tác phẩm chính

– Ông đã xuất bản các tác phẩm: Dân ca Thái Mai Châu (sưu tầm, dịch, in chung,1991); Giọt sao trở về (thơ, 1995); Rượu núi (thơ, 1996); Mùa hoa chuông (thơ in chung, 1997); Sàn trăng (thơ, 2000); Theo lời hát về nguồn (thơ, 2001); Lời hát trong lễ hội chá chiêng (dịch, biên soạn dân ca Thái, 2001); Góc trời (thơ, 2009); Rượu núi (thơ chọn, 2010); Phiên chợ hoa văn (tập ký, 2005); Bếp lửa trong đời sống người Thái (khảo cứu, 2008); Tìm hiểu lịch sử – Văn hóa cổ truyền người Thái Mai Châu (chủ biên, 2016); Hợp tuyển văn học Thái vùng Mai Châu (khảo cứu, sưu tầm, 2020).

3.Quan điểm sáng tác

– Thơ Lò Cao Nhum tưởng chừng chất phác nôm na kỳ thực đọc kỹ đều là kim giấu trong bông, ngọc ẩn trong đá, cứ mưa dầm thấm lâu khiến người đời ám ảnh

– Ông quan niệm về nghề văn: “Tôi đã từng nghĩ, dân tộc mình có tiếng nói, chữ viết, sao phải vay mượn chữ của người khác để chuyển tải và sáng tác. Những năm tuổi thơ của tôi cũng là những năm lụi tàn của chữ viết và hát khắp Thái. May mắn cho các nhà thơ Thái tiền bối thực sự như Lương Quy Nhân, Ngần Văn Hoan, Cầm Biêu, Vương Trung… họ còn được đắm mình trong dòng chảy dân ca Thái, họ có chữ Thái để làm phương tiện chuyên chở cảm xúc. Còn thế hệ chúng tôi, không thể khác được là phải sáng tác bằng chữ phổ thông. Có điều, tác phẩm của một tác giả dân tộc thiểu số có là chứng chỉ để ghi nhận anh là đại diện tinh thần cho một dân tộc hay không, điều đó phụ thuộc vào tài năng và ý thức của tác giả. Xét cho cùng, tiếng Việt chỉ là phương tiện, nhưng cách nghĩ, cách cảm, cách tư duy hình tượng… thì có sự khác nhau giữa các dân tộc. Đó chính là bản sắc và cũng tạo nên giọng điệu riêng cho tác giả. Bản lĩnh sáng tạo của nhà thơ dân tộc thiểu số sáng tác bằng tiếng Việt được thử thách ở đây, trước sự tranh chấp của hai phông văn hóa”.

4.Giải thưởng và vinh danh

– Nhà thơ Lò Cao Nhum đạt được nhiều giải thưởng văn học:

+ Tặng thưởng Chùm thơ hay trong năm báo Văn Nghệ Trẻ 1996 các bài: Chiều núi, Ngã ba suối;

+ Giải C cuộc thi Thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 1996 – 1997 bài Rượu núi;

+ Tặng phẩm chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tập thơ Rượu núi (1996);

+ Giải B tập thơ “Gốc trời” của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2010;

+ Giải C tập sách “Bếp lửa trong đời sống người Thái” của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2009;

+Các tập thơ “Rượu núi”, “Sàn trăng” và tập ký “Phiên chợ hoa văn” nhận Giải thưởng Văn học Hòa Bình 5 năm, 10 năm… của UBND tỉnh Hòa Bình.