Giới thiệu tác giả Nam Cao về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Nam Cao (1915/1917 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri. Quê ông ở Lý Nhân, Hà Nam. Ông sinh ra trong một gia đình công giáo bậc trung. Thuở nhỏ ông học ở trường làng, sau đó được gửi xuống Nam Định học. Sau đó do thể chất yếu nên ông về nhà chữa bệnh rồi cưới vợ. Năm 18 tuổi ông vào Sài Gòn nhận làm thư kí cho một hiệu may.
– Khi còn nhỏ Nam Cao học ở làng và thành phố Nam Định. Học xong trung học, ông vào Sài Gòn sống gần ba năm với một người cậu. Từ 1936, bắt đầu viết văn trên các báo: Tiểu thuyết thứ bảy, ích hữu… Năm 1938 ông dạy học tại một trường ở ngoại ô Hà Nội và viết báo.
2. Sự nghiệp
– Năm 1941, ông dạy học ở Thái Bình. Năm 1942, ông trở về quê, tiếp tục viết văn. Năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hoá Cứu quốc và tham gia phong trào Việt Minh ở địa phương. Cách mạng Tháng Tám (1945), ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Lý Nhân, và được cử làm Chủ tịch xã.
– Năm 1946, ông ra Hà Nội, hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc và là Thư ký tòa soạn tạp chí Tiên Phong của Hội. Cùng năm đó, ông tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách phóng viên, hoạt động ở Nam Trung Bộ một thời gian. Sau đó lại trở về nhận công tác ở Ty Văn hóa Hà Nam.
– Mùa thu năm 1947, Nam Cao lên chiến khu Việt Bắc, làm phóng viên báo Cứu quốc và làm thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Việt Bắc. Năm 1948, Nam Cao gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1950, ông nhận công tác ở tạp chí Văn Nghệ (thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam) và là ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung -ương.
– Ngày 30/11/1951, trên đường đi công tác vào vùng địch hậu liên khu III, Nam Cao cùng đoàn cán bộ thuế nông nghiệp bị địch phục kích và đã anh dũng hy sinh. Ông ngã xuống khi trang bản thảo cuối cùng của tác phẩm “Định mức” còn chưa khô mực.
3. Tác phẩm
– Ông để lại khối lượng tác phẩm lớn với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký như các tác phẩm: “Sống mòn”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “ Giăng sáng”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Đôi mắt”, …
– Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn…
4. Phong cách sáng tác – Quan điểm sáng tác
– Phong cách sáng tác: đề cao tư tưởng con người : Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá “con người trong con người”. Đi sâu khám phá nội tâm nhân vật. Nghệ thuật viết truyện của Nam Cao có những đặc sắc, độc đáo mà đa dạng. Các tác phẩm của ông vừa rất mực chân thành vừa có một ý vị triết lý, một ý nghĩa khái quát sâu xa. Ngòi bút hiện thực tỉnh táo, nghiêm ngặt vừa sắc lạnh, vừa gân guốc, lại vừa thắm thiết trữ tình.
– Ông theo quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” “: “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”
– Ông quan niệm: Tác phẩm “phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng” và “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có”.
5. Giải thưởng – vinh danh
– Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật (đợt 1, 1996) cho các tác phẩm: Nhật ký ở rừng, Đôi mắt (truyện ngắn), Sống mòn (tiểu thuyết), Truyện ngắn chọn lọc (xuất bản năm 1964), Chí Phèo (truyện ngắn), Nửa đêm (truyện ngắn).
6.Nhận định – Bình luận
-“Dù viết về đề tài nào ,truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung: nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới”
-“Viết về người trí thức tiểu tư sản nghèo, Nam Cao đã mạnh dạn phân tích và mổ xẻ tất cả, không né tránh như Thạch Lam; không cực đoan,phiến diện như Vũ Trọng Phụng, cũng không thi hóa như Nhất Linh, Khái Hưng, ngòi bút của Nam Cao luôn luôn tỉnh táo đúng mực”( Hà Minh Đức)
-“Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối đi riêng,nghĩa là không đếm xỉa gì đến sở thích của độc giả. Nhưng tài năng của ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài năng của mình,thiên chức của mình”(Hà Minh Đức)
-“Trong các trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lí, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người”(Nguyễn Minh Châu)
-“Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo,gân guốc soi mói như của Nam Cao”( Nhà văn Lê Định Kỵ)
-“Nam Cao lạnh lùng quá ,kéo mép lên mới nở được một nụ cười khó nhọc(…)thật ra mặt anh ta lạnh nhưng lòng anh ta sôi nổi”(Nhận xét của nhà văn Tô Hoài)
-“Con người Nam Cao mảnh khảnh, thư sinh, ăn nói ôn tồn nhiều khi đến rụt rè, mỗi lúc lại đỏ mặt mà kì thực mang trong lòng một sự phản kháng mãnh liệt”(Nguyễn Đình Thi)
-Nam Cao “biến mình thành kẹp chả dưới tay mình ,tự đem mình ra quat dưới than hồng “(Nguyễn Minh Châu)
-“Nam Cao thường lấy bản thân mình ra để mà kiểm nghiệm”(Nguyễn Minh Châu)
-“Năm năm cho một sự nghiệp không lẫn với ai, năm năm trung thành với hướng đi không nghiêng ngả… năm năm cày xới để tự biếm họa ,tự khẳng định,để có Nam Cao như hiện nay ta có”(GS Phong Lê)