Giới thiệu tác giả Ngô Tất Tố (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Ngô Tất Tố là một trong những cây bút xuất sắc của trào lưu hiện thức phê phán của Việt Nam trước năm 1945 với các tác phẩm ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng các độc giả như Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình, Lều chõng,… Cùng tìm hiểu về tác giả qua bài viết Giới thiệu tác giả Ngô Tất Tố (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!

Tiểu sử

– Ngô Tất Tố sinh năm 1893 – mất ngày 20 tháng 4 năm 1954.

– Bút danh: Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Thục Điểu, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ,…

– Quê quán: làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).

– Gia đình: Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em (ba trai, bốn gái). Cụ thân sinh của Ngô Tất Tố là Ngô Thanh Tiến, ông nội là cụ Ngô Văn Thông và thường được gọi là cụ Tú Thông, một nhà Nho trong làng. Không rõ Ngô Tất Tố có bao nhiêu người con, nhưng ông có bốn con trai đã trưởng thành là Ngô Mạnh Duẩn, Ngô Thúc Liêu, Ngô Hoành Trù, Ngô Hải Cao và ba người con gái là Ngô Thị Khiết, Ngô Thị Miễn và Ngô Thị Thanh Lịch (đại biểu quốc hội khóa IV của tỉnh Hải Hưng).

– Học vấn:

+ Từ nhỏ đã được tiếp xúc với nền giáo dục nho học.

+ Bắt đầu từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng.

+ Sau đó năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất.

+ Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì. Ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.

Giới thiệu tác giả Ngô Tất Tố (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Sự nghiệp

– Năm 1926: Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí song vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản.

– Năm 1945: Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào ủy ban giải phóng ở xã Lộc Hà nơi quê hương ông.

– Năm 1946: Ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.Trong khoảng thời gian này, Ngô Tất Tố đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng chi hội văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc khu XII, Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc trung ương… đồng thời ông còn sáng tác văn.

– Năm 1948: Ngô Tất Tố được bầu vào vị trí ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam tại đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất.

– Nhà văn nghiên cứu rất nhiều các thể loại văn học khác nhau. Ông là một học giả có nhiều công trình khảo cứu về triết học, văn học cổ có giá trị.

Tác phẩm

– Dịch:

+ Ngô Việt Xuân Thu (1929)

+ Hoàng Hoa Cương (1929)

+ Thơ và tình (dịch thơ Trung Quốc, 1940)

+ Đường thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940)

+ Hoàng Lê nhất thống chí (tiểu thuyết lịch sử, báo Đông Pháp, 1942)

+ Suối thép (tiểu thuyết, 1946)

+ Trước lửa chiến đấu (truyện vừa, 1946)

+ Trời hửng (truyện ngắn, 1946)

+ Duyên máu (truyện ngắn, 1946)

+ Doãn Thanh Xuân (truyện ngắn, 1946 – 1954)

– Phóng sự:

+ Tập án cái đình (1939)

+ Việc làng (báo Hà Nội tân văn, 1940-1941), (Mai Lĩnh xuất bản, 1941)

+ Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, báo Thời vụ, 1939-1944), (Mai Lĩnh xuất bản, 1952)

– Truyện ký lịch sử:

+ Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (1935)

+ Đề Thám (viết chung, 1935)

– Tiểu thuyết:

+ Tắt đèn (báo Việt nữ, 1937), (Mai Lĩnh xuất bản, 1939)

– Biên soạn:

+ Lão Tử (biên soạn chung, 1942)

+ Mặc Tử (1942)

+ Địa dư các nước châu Âu (biên soạn chung với Văn Tân, 1948)

+ Địa dư các nước châu Á, châu Phi (biên soạn chung với Văn Tân, 1949)

+ Địa dư Việt Nam (1951)

– Kịch:

+ Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (kịch bản chèo, 1951).

+ Đóng góp (1951)

Chú giải: Kinh dịch (1953)

– Tập:

+ Ngô Tất Tố và tác phẩm (tuyển tập, 2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1971, 1976)

+ Ngô Tất Tố – Toàn tập (5 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1996)

+ Ngô Tất Tố – Toàn tập, bộ mới (dự kiến 30 tập, Nhà xuất bản Hội nhà văn – Công ty văn hóa Phương Nam, 2005)

– Nghiên cứu, giới thiệu:

+ Thi văn bình chú – tủ sách Tao Đàn – nhà xuất bản Tân Dân – Hà Nội (tuyển chọn, giới thiệu, 1941)

+ Văn học đời Lý (tập I) và Văn học dời Trần (tập II) (trong bộ Việt Nam văn học) (1942)

Giải thưởng

– Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) năm 1996

Phong cách sáng tác

Ngô Tất Tố là một trong những cây bút xuất sắc của trào lưu hiện thức phê phán của Việt Nam trước năm 1945 với các tác phẩm ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng các độc giả như Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình, Lều chõng,… Mỗi tác phẩm của nhà văn đều bộc bạch nên tình yêu thương, sự đồng cảm trước những số phận lênh đênh của người nông dân với hình ảnh miêu tả đặc sắc, sinh động, phong phú mang màu sắc u tối đặc trưng của xã hội. Hòa chung với ngòi bút phê phán, nhà văn đã thể hiện, lật tẩy những mặt trái xấu xa, tàn nhẫn, ích kỷ, lạc hậu của những kẻ tầng lớp trên của xã hội nửa thực dân nửa phong kiến. Hướng đến vẻ đẹp tiềm ẩn sâu trong tâm hồn con người để làm nổi bật tựa như màu sắc sáng lẻ loi giữa khung trời u tối, thể hiện nên những giá trị, phẩm chất nhân văn, chính trực của con người, truyền tải thông điệp bài học ý nghĩa, giúp người đọc đồng cảm, thấu hiểu với những mảnh đời nhỏ bé yếu đối, khó khăn và tránh thoát khỏi những kẻ có thói hư, tật xấu, độc ác trong xã hội.

Tác phẩm tiêu biểu “Tắt đèn”

Hoàn cảnh sáng tác

– Được viết và in trên báo Việt Nữ vào năm 1937 khi ấy lụt lội xảy ra liên miên gây nên mất mùa đối kém, nhân dân lâm vào cảnh lầm than, bế tắc, đặc biệt là những người nông dân.

– Tắt đèn gồm 26 chương, trong đó chương 18 của tác phẩm là một trong những tác phẩm được học trong chương trình Ngữ văn 8 tập 1 do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành với tựa đề “Tức nước vỡ bờ”.

Tóm tắt tác phẩm

Tác phẩm Tắt đền kể về cuộc sống của chị Dậu, một người nông dân nghèo. Quanh năm làm quần quật mà vẫn thuộc hạng cùng đinh của làng. Nhất là anh Dậu lại ốm kéo dài mấy tháng trời. Chính vì thế nhà chị Dậu không có tiền nộp sưu và anh Dậu bị bọn cường hào bắt trói. Chị Dậu chạy ngược chạy xuôi lo tiền, thậm chí phải bán đứa con gái đầu lòng và ổ chó mới đẻ cho Nghị Quế để lấy tiền lo nộp sưu. Không chỉ sưu của anh Dậu mà còn cả của chú Hợi đã khuất nên không đủ tiền. Anh Dậu bị trói đánh. Sáng hôm sau khi anh đang húp dở bát cháo thì bọn cai lệ lại ập tới. Chúng chửi mánh và tát chị Dậu, chị van lạy chúng tha cho chồng nhưng chúng quyết trói anh Dậu đem đi. Uất quá chị đã chống trả quyết liệt, đánh ngã nhào hai tên cai lệ, hầu cận. Chúng bắt chị trói lên huyện, tri phủ thấy chị thì tính háo sắc nổi lên và giở trò bỉ ổi. Chị đã vùng chạy và về nhà. Sau đó chị Dậu quyết định lên tỉnh đi ở vú. Cũng trong hoàn cảnh ấy, trong đêm tối thì cụ cố Thượng tuổi đã ngoài tám mươi nổi hứng mò vào chỗ chị ngủ tính làm trò đồi bại. Chị Dậu đã chạy thoát được trong đêm đen tối như mực.

Giá trị nội dung 

Giá trị hiện thực: Tác giả thông qua tác phẩm để tố cáo và lên án chế độ sưu thuế dã man của thực dân Pháp, đã bần cùng hóa nhân dân ta, kết tội chế độ thực dân nửa phong kiến đã áp bức bóc lột, đã bần cùng hóa nhân dân ta, đẩy người nông dân nghèo khổ vào bước đường cùng không lối thoát.

Giá trị nhân đạo: Thể hiện tình vợ chồng, tình mẹ con, tình nghĩa xóm làng giữa con người cùng khổ được nói đến một cách chân thực. Số phận người phụ nữ, những em bé, những người cùng đinh được tác giả nêu lên với bao xót thương, nhức nhói và đau lòng. Xây dựng nhân vật chị Dậu – một hình tượng chân thực, đẹp đẽ về người phụ nữ nông dân Việt Nam. Có bao phẩm chất tốt đẹp: cần cù, tần tảo, giàu tình thương, nhẫn nhục và dũng cảm chống cường hào, chống áp bức. Là hiện thân của người vợ, người mẹ vừa sắc sảo, vừa đôn hậu, trong sạch.

Nhận định, đánh giá

Nhà văn Vũ Trọng Phụng từng khen ngợi Tắt đèn là: “một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy”.

Phong Lê, trên Tạp chí Sông Hương tháng 12 năm 2003, gọi những tác phẩm viết về nông thôn của Ngô Tất Tố là “một nhận thức toàn diện và sâu sắc, đầy trăn trở và xúc động về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam” đạt đến “sự xúc động sâu xa và bền vững”.

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn nhận xét: “Trong khi về mặt tính cách, người ta thấy Ngô Tất Tố gắn liền với lớp người trưởng thành từ đầu thế kỷ 20 như Phan Kế Bính, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Duy Tốn… thì tác phẩm của ông lại thường được xếp cạnh các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng (nghĩa là thuộc về một giai đoạn chín đẹp của thế kỷ này, những năm 30 huy hoàng)”

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét về sự thay đổi ở Ngô Tất Tố: “ông vào số những nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê bình, có trí xét đoán có tư tưởng mới”

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh tại Hội thảo Nhà văn Ngô Tất Tố: “Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ đầu của nền văn hoá quốc ngữ, đã có những đóng góp to lớn đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của Ngô Tất Tố đa dạng, phong phú và đạt đến tầm xuất sắc trên 5 lĩnh vực: Văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật, dịch lý.”

Nguyên Hồng: “Ngòi bút rắn chắc của nhà văn Ngô Tất Tố đã không e dè đưa lên những sự thật. Người nông dân giãy lên trên những dòng chữ của nhà văn Ngô Tất Tố. Cái mạnh, cái sắc của nhà văn Ngô Tất Tố ở chỗ dám nhìn thẳng vào sự thực, căm giận, chửi rủa và phá bỏ. Cái mạnh, cái sắc của nhà văn Ngô Tất Tố còn ở chỗ đi sâu vào những khía cạnh đen tối, sai trái của kẻ thù.”