Là một nhà văn, một nhà văn hóa lớn của đất nước, có thể nói Nguyễn Đình Chiểu chính là đại diện cho đức và tài giao thoa, hội tụ. Hãy cùng Trạm Văn Học cùng tìm hiểu về nhà văn Nguyễn Đình Chiểu qua bài viết Giới thiệu tác giả Nguyễn Đình Chiểu (tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác) nhé!
Tiểu sử
– Tục gọi ông là cụ đồ Chiểu.
– Tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi ông bị mù).
– Sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (ngày 1 tháng 7 năm 1822) – Mất ngày ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (ngày 3 tháng 7 năm 1888).
– Quê quán: làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế).
– Sinh sống: nửa cuối thế kỷ 19
– Ngày 24/11/2021, ông được UNESCO công nhận là Danh Nhân Văn Hoá Thế Giới.
– Năm 1990, khu lăng mộ của ông được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
– Năm 2017, khu di tích này lại được Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch cấp bằng công nhận Khu di tích văn hoá, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
Sự nghiệp
– Năm Quý Mão (1843), lúc này tuy chỉ mới 21 tuổi nhưng ông đã đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định.
– Năm 1851, sau khi mẹ ông mất và bản thân ông trở nên mù lòa thì ông mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi (Gia Định).
– Sau khi nổ súng cướp nước ta, quân Pháp quyết định đánh vào thành Gia Định (năm 1859). Khi tòa thành thất thủ, ông đưa gia đình về sống ở quê vợ tại Thanh Ba (Cần Giuộc). Căm phẫn, đau đớn trước những hành động man rợ của quân Pháp, cũng như thất vọng về sự hèn yếu của triều đình, ông sáng tác bài thơ “Chạy giặc”.
– Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (ngày 16 tháng 12 năm 1861), một số nghĩa sĩ nông dân đã quyết định tấn công đánh phá đồn giặc tại Cần Giuộc. Cuộc tập kích đã tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt đang làm cộng sự cho Pháp. Thế nhưng, đổi lại là 15 nghĩa sĩ đã anh dũng hy sinh. Xúc động trước những tấm gương đó, ông đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” theo yêu cầu của Tuần phủ Đỗ Quang để đọc trong buổi truy điệu các nghĩa sĩ.
– Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ thuộc về tay Pháp. Nguyễn Đình Chiểu lại cùng gia đình rời Cần Giuộc về Ba Tri (Bến Tre). Khi phải chia tay với bạn bè thân quen, ông làm ra bài thơ “Từ biệt cố nhân”.
– Tại Ba Tri, ông vẫn tiếp tục dạy học và sáng tác phục vụ cho cuộc chiến đấu trường kì của nhân dân miền Nam.
– Tháng 8 năm 1864, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công là Trương Định bị thương rồi tuẫn tiết ở Ao Dinh. Xúc động trước hành động đầy quả cảm ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã làm bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn để điếu.
– Ngày 4 tháng 8 năm 1867, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản tuẫn tiết vì không giữ được thành Vĩnh Long, ông cũng có làm 2 bài thơ điếu.
– Năm 1868, thủ lĩnh kháng Pháp ở Ba Tri là Phan Tòng hy sinh, Nguyễn Đình Chiểu làm 10 bài thơ điếu.
Tác phẩm
– Lục Vân Tiên (truyện thơ Nôm): Tác phẩm gồm 2082 câu thơ lục bát, được mệnh danh là “bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý đáng trọng ở đời”. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất làm nên tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học. Tác phẩm cũng là một dấu ấn lớn của văn học Việt Nam, được nhân dân miền Nam đặc biệt ưa chuộng.
– Dương Từ – Hà Mậu (truyện thơ Nôm): Tác phẩm gồm 3456 câu, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen thơ Đường luật (33 bài) và các thể loại khác. Tác phẩm này đã nói lên thái độ của ông đối với đạo Phật và đạo Công giáo Rôma mà ông không tán thành.
– Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca (Ngư tiều y thuật vấn đáp, truyện thơ Nôm): Tác phẩm gồm 3642 câu, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen trong đó là 21 bài thơ và một số bài thơ ca, phú… trích từ các sách thuốc Trung Quốc. Đây là một quyển sách dạy nghề làm thuốc chữa bệnh, tuy nhiên thông qua đó tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã cài cắm lòng yêu nước của mình vào nội dung y thuật.
– Chạy giặc (1859)
– Từ biệt cố nhân (1859)
– Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, 1861)
– Mười hai bài thơ và bài văn tế Tướng quân Trương Định (1864)
– Thơ điếu Đông các Đại học sĩ Phan Thanh Giản (2 bài, 1867)
– Mười bài thơ điếu Ba Tri Đốc binh Phan Tòng (1868)
– Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, chưa rõ thời gian sáng tác)
– Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (chưa rõ thời gian sáng tác)
– Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột, chưa rõ thời gian sáng tác)
– Ngóng gió đông (chưa rõ thời gian sáng tác)
– Thà đui (chưa rõ thời gian sáng tác)
Phong cách sáng tác
– Những tác phẩm của ông đều mang đậm tinh thần đấu tranh, quyết không đầu hàng trước bọn giặc Pháp man rợ. Không chỉ vậy, ngôn ngữ giàu chất gợi hình, gợi cảm đã tạo nên sự thu hút cho độc giả mỗi khi đọc theo câu truyện được dẫn dắt. Xúc tích, sắc bén nhưng không kém phần khéo léo, uyển chuyển đã khiến cho các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được đông đảo nhân dân yêu thích. Những kinh nghiệm, những trải nghiệm trong cuộc sống cũng là một điều quan trọng ảnh hưởng tới các sáng tác của ông. Thông qua đó cho ông được nhiều đề tài, nguồn cảm hứng để sáng tác. Tác phẩm của ông không chỉ có giá trị về văn học nói riêng, mà còn mang giá trị to lớn tới văn hóa – xã hội nói chung. Chính những tác phẩm ấy đã tạo nên tiền đề cho văn học miền Nam ngày càng phát triển và được lan truyền rộng rãi hơn. Ông chính là một nhà văn, nhà văn hóa lớn, cũng là một thầy giáo thầy thuốc đại tài cho nhân dân.