Giới thiệu tác giả Nguyễn Duy Cần về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh
1. Tiểu sử
– Nguyễn Duy Cần (1907-1998) sinh tại tại làng Điều Hoà, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Là một học giả, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20.
– Ông làm nghề viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh Dịch, với các biệt hiệu: Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử, Linh Chi…
– Ông sống cùng thời với các học giả và nhà văn như: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng…
– Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu của học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức của ông.
2. Sự nghiệp
– Sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác của Nguyễn Duy Cần bắt đầu từ năm 1931 với việc xuất bản quyển Triết học đầu tiên “Toàn chân”, gây nên một cuộc bút chiến sôi nổi trên báo Mai. Trong những năm sau đó, ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn.
– Năm 1937, ông tham gia xuất bản nguyệt san “Nay”.
– Năm 1941, ông làm chủ bút báo Tiến và năm 1944, chủ bút báo Thanh niên, sau đó còn làm chủ bút báo Tự do.
– Sau khi Chiến tranh Đông Dương nổ ra, năm 1946, ông lánh nạn lên Sài Gòn, ở ẩn để tiếp tục viết sách. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, việc xuất bản các tác phẩm của ông bị gián đoạn mãi đến năm 1951 mới bắt đầu trở lại với tác phẩm “Cái dũng của Thánh nhân”. Từ đó về sau ông tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm khá đều đặn cho đến tận năm 1975.
– Ngoài việc trước tác và tham gia viết báo, ông từng là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là Trưởng ban Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn.
– Những năm cuối đời, ông không tiếp tục viết sách mà lui về ở ẩn.
– Năm 1991, ông chuyển về sống ở quận Bình Thạnh và mất tại đây vào năm 1998, để lại cho đời nhiều bộ sách có giá trị.
3. Tác phẩm
– Duy tâm và duy vật 1935
– Toàn chân triết luận 1936
– Thanh dạ Văn chung 1939
– Cổ nhân 1940
– Cái dũng của Thánh nhân 1951
– Óc sáng suốt 1952
– Thuật tư tưởng 1953
– Thuật xử thế của người xưa 1954
– Trang Tử tinh hoa 1956
– Lão Tử tinh hoa 1963
– Văn minh Tây phương và Đông phương 1957
– Tôi tự học 1959
– Thuật Yêu đương 1961
– Lão Tử Đạo đức Kinh 1960
– Một nghệ thuật sống 1960
– Cái cười của Thánh nhân 1970
– Tinh hoa Đạo học Đông phương 1972
– Phật học tinh hoa 1965
– Nhập môn Triết học Đông phương[3] 1971
– Văn hóa Giáo dục miền Nam Việt Nam 1970
– Nam hoa kinh 1963
– Dịch học tinh hoa 1973
– Để trở thành nhà văn 1968
– Chu Dịch huyền giải 1975
– Dịch Kinh tường giải 2014
– Tử vi bí kiếp
– Thiền đạo Tinh Hoa
– Hà Đồ Lạc Thư và Dịch Tượng Luận
– Thuật dưỡng sinh theo Đạo học Đông Phương
– Đông Phương y học bí truyền.
4. Phong cách sáng tác
– Khi viết về những vấn đề tinh tế, Thu Giang Nguyễn Duy Cần không né tránh những ẩn dụ phức tạp hay tìm cách đơn giản hóa. Ông không quan tâm đến số lượng độc giả nhiều hay ít mà luôn đau đáu với việc độc giả có hiểu những gì mình viết ra hay không. Và điều thú vị là ông luôn chừa lại những mảnh đất để người đọc tự kiến giải và suy nghĩ.
– Với Thu Giang Nguyễn Duy Cần, ông viết thâm sâu, chứ không phải viết cho một thời kỳ ngắn ngủi nào đó khiến độc giả đọc xong quên ngay, đọc lại thấy không còn phù hợp nữa. Đọc sách của ông thường xuyên phải suy ngẫm, mà mỗi lần đọc lại thì càng thấy thêm ý nhị, sâu sắc. Cái cười của thánh nhân không phải là tập hợp những chuyện vui hài. Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết:”Sức mạnh ẩn chứa trong tiếng cười có thể phá tan những giá trị sai lầm của mọi thời đại”
5. Giải thưởng – vinh danh
Giải Tuyên dương sự nghiệp văn học – nghệ thuật về lĩnh vực học thuật năm 1973.