Giới thiệu tác giả Nguyễn Duy về tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, giải thưởng và những nhận định đánh giá về ông.
1. Tiểu sử
– Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948.
– Quê quán: xã Đông Vệ, thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa.
– Mẹ mất sớm, Nguyễn Duy ở với bà ngoại từ nhỏ, chính vì vậy bà ngoại là người gần gũi, thân thuộc nhất với ông.
– Năm 1966, ông nhập ngũ.
– Từ năm 1971 – 1975, vẫn đang khoác áo lính, Nguyễn Duy về học tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
– Cuối năm 1975, ông cùng đơn vị vào tiếp quản Vũng Tàu.
– Năm 1976, Nguyễn Duy vào sống và công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, là biên tập viên báo Văn nghệ Giải phóng, rồi làm Trưởng đại diện của báo Văn nghệ ở phía Nam.
2. Tác phẩm chính
+ Thơ: Cát trắng (1973), Ánh trăng (1984), Đãi cát tìm vàng (1987), Mẹ và em (1987),…
+ Tiểu thuyết: Khoảng cách (1986),…
+ Bút kí: Nhìn ra bể rộng trời cao (1986),..
3. Phong cách nghệ thuật
– Thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc, nhiều bài là tiếng nói khảng khái, bộc trực, đầy ngang tàn mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm và mang tinh thần công dân sâu sắc.
– Ông là một trong số không nhiều cây bút hiện nay đã góp phần làm mới thể lục bát bằng những tìm tòi theo hướng hiện đại, tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn trong cấu trúc, hình ảnh và ngôn ngữ của thể thơ truyền thống này.
– Thơ lục bát của Nguyễn Duy được viết theo phong cách hiện đại, câu thơ vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn trong cấu trúc, hình ảnh và ngôn ngữ của thể thơ truyền thống này. Cứ như thế ông gieo rắc vào lòng bạn đọc những rung cảm khó có thể tìm được trong thơ ca.
4. Giải thưởng
– Năm 1973, Giải giải nhất cuộc thi thơ của tuần Báo Văn Nghệ, năm 1973
– Năm 2007, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2007
– Năm 2010, Gải thưởng lớn về thơ của Viện Hàn lâm Rumani, năm 2010
5. Nhận định và bình luận về tác giả Nguyễn Duy
– Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác thì có thể chỉ là chuyện thoáng qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại… ( Hoài Thanh )
– Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó. ( Trịnh Công Sơn )