Giới thiệu tác giả Nguyễn Huy Tưởng (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Giới thiệu tác giả Nguyễn Huy Tưởng về tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định, giải thưởng và đánh giá.

1. Tiểu sử

– Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960), ông sinh ra trong một gia đình nhà nho có tinh thần yêu nước ở làng Dục Tú, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội).

– Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng.

– Năm 1938 ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và phong trào hướng đạo sinh ở Hải Phòng.

– Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng.

– Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định và Phúc Yên.

– Tháng 6 – 1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Văn hóa cứu quốc.

– Tháng 8 – 1945, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Ông còn là đại biểu văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong.

– Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc.

– Năm 1951, ông tham gia chiến dịch biên giới.

– Hòa bình 1954, ông làm Uỷ viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

2. Các tác phẩm chính

– Nguyễn Huy Tưởng có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử và có đóng góp nổi bật ở thể loại kịch và tiểu thuyết.

– Tác phẩm chính: Vũ Như Tô (kịch, 1941), Bắc Sơn (kịch, 1946), Những người ở lại (kịch, 1948), Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), An Tư (tiểu thuyết, 1945), Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết, 1961), Kí sự Cao Lạng (kí, 1951)…

3. Phong cách sáng tác

– Trong văn của ông luôn đầy chất thơ của cuộc sống và chất chứa những bài ca hy vọng, những bài học về tình thương yêu những người thân, xóm giềng, cộng đồng và đồng loại.

– Có thiên hướng khai hác các đề tài lịch sử

– Đóng góp lớn nhất ở hai thể loại: tiểu thuyết, kịch

– Văn phong giản dị, trong sáng, đôn hậu, thâm trầm, sâu sắc.

4. Quan niệm sáng tác

– Bao trùm lên sáng tác của nhà văn là nguồn cảm hứng lớn về lịch sử. Viết văn để tỏ lòng yêu nước, đó là triết lí sống và là quan điểm sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi.”

5. Giải thưởng và vinh danh

– Giải Ba Giải thưởng Văn nghệ năm 1951 – 1952 của Hội văn nghệ Việt Nam (Ký sự Cao Lạng)

– Giải Nhì Giải thưởng hội Văn học Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955 (Truyện Anh Lục)

– Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I, 1996).

– Năm 1995, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt tên cho một phố của thủ đô là phố Nguyễn Huy Tưởng, nối từ phố Vũ Trọng Phụng cắt ngang qua phố Nguyễn Tuân đến đường Khuất Duy Tiến.

6. Các nhận định và đánh giá

– Nguyễn Huy Tưởng đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam. – Nhà nghiên cứu Văn học Nguyễn An

– Ngay từ khi hiện diện trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã lựa chọn một thế đứng vững chắc với tư thế của một nhà tiểu thuyết và viết kịch trước những vấn đề của hôm qua và hôm nay, của lịch sử và dân tộc.
– Nhà nghiên cứu Văn học Bích Thu

– Cái hay của những tác phẩm lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn không gây hoài nghi, không gây tranh cãi, cũng không dựng lịch sử và các nhận vật lịch sử “khác lạ” với những sử liệu chính thức mà mọi người đã biết. Nhà văn đã viết truyện lịch sử và truyền cho bạn đọc cái cảm giác của chính ông. – Nhà nghiên cứu Vũ Nho