Giới thiệu tác giả Nguyễn Khôi về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
Nguyễn Khôi sinh ngày ngày 26 tháng 12 năm 1938 tại thị xã Yên Bái. Quê quán: phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, hiện thường trú tại số 259/39 phố Vọng, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (khóa 2), chuyên viên cao cấp – nguyên Phó Vụ Trưởng Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
2. Sự nghiệp
– Nguyễn Khôi học Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tốt nghiệp kĩ sư năm 1963 rồi lên công tác tại Sơn La.
– Sau 21 năm, ông giữ qua các chức vụ: Trưởng phòng kĩ thuật sở nông nghiệp Sơn La, Giám đốc nông trường, Thư ký ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.
– Ngoài công tác chuyên môn, ông đã ra sức học tiếng Thái và đi sâu nghiên cứu văn học các dân tộc ở Tây Bắc…
– Năm 1985, tốt nghiệp học viện hành chính Quốc gia Hà Nội;
– Năm 1986 – 1987 tốt nghiệp quản lý kinh tế tại trường Đại học kinh tế tài chính Xanh-Petecbua (Liên bang Nga).
Song song với công việc ở cơ quan, ông đã dành công sức trong vòng 8 năm biên soạn cuốn “Bắc Ninh thi thoại” (đã xuất bản tới 3 lần và đã được thư viện các nước Hoa Kỳ, Anh Quốc lưu giữ giới thiệu về nền thơ ca 10 thế kỷ xứ Kinh Bắc)
– Sau khi nghỉ hưu, ông tập trung viết bộ sử làng “Cổ Pháp Cố Sự”, là một công trình biên khảo công phu, tác giả đã khai thác phát huy vốn văn sử chính thống cùng văn học dân gian một các nhuần nhuyễn, khoa học với những chứng cứ khảo cứu trung thực về quê hương cội nguồn nhà Lý xưa và nay.
3. Tác phẩm
– Trai Đình Bảng (Nhà xuất bản Văn học – 1995, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin – 2000)
– Gửi mường bản xa xăm (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc)
– Trưa rừng ấy- Tuyển thơ 100 bài Tứ tuyệt (Nhà xuất bản VHDT – 2005)
– Bắc Ninh thi thoại (biên khảo, đã tái bản lần thứ 3)
– Các dân tộc ở Việt Nam – cách dùng họ và đặt tên (biên khảo)
– Cổ pháp cố sự – 4 tập viết về cội nguồn nhà Lý.
– Chiều phố Vọng – thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2011.
– Sơn La ký sự- (Bách khoa thư về xứ Thái ở Việt Nam).
– Chân dung 99 Nhà văn Việt Nam đương đại.
Dịch thuật:
– Sống chụ son sao (Truyện thơ dân tộc Thái)
– Út ỏ về Kinh
– Tiếng hát làm dâu (dân ca HMong)
– Khun lu – nàng ủa (Truyện thơ dân tộc Thái)
– Dặn lại Mường (thơ dân tộc Thái)
4. Phong cách sáng tác
– Gắn bó với đồng bào dân tộc Thái 21 năm, ông đã tìm hiểu phong tục, tập quán của người Thái ở Sơn La. Tình cảm yêu mến ấy được ông thể hiện qua các tập thơ văn về người đồng bào dân tộc miền núi cao.
– Bên cạnh đó, Nguyễn Khôi là người luôn nghĩ đến việc tri ân mảnh đất sinh thành – quê hương Đình Bảng, Bắc Ninh. Những trang viết của Nguyễn Khôi giúp người đọc “vỡ ra” nhiều câu chuyện xa xưa ở xứ Kinh Bắc mà không phải ai cũng biết, cũng hiểu.
5. Giải thưởng – vinh danh
– Giải thưởng thơ viết về 1000 năm Thăng Long, bài “Về Hà Nội” Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội 2005
– Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô 2008
6. Nhận định và bình luận
Nhà văn Duy Phi viết: “Nhà thơ Nguyễn Khôi sống giàu nghĩa khí, tâm huyết với văn chương. Dù ông ở nơi đâu thì “Còn tấc lòng vẫn gửi lại nơi quê”. Đó là một bản lĩnh, một nhân cách, rất đáng trân trọng.”