Giới thiệu tác giả Nguyễn Lãm Thắng (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Giới thiệu tác giả Nguyễn Lãm Thắng về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, quan niệm sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

Giới thiệu tác giả Nguyễn Lãm Thắng về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, quan niệm sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

1. Tiểu sử

– Nguyễn Lãm Thắng sinh ngày 14/8/1973, quê tại làng Tịnh Đông Tây (Hà Dục), xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

– Ông là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế, hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, trưởng Gia đình Áo trắng Huế.

– Ngoài tên thật, ông còn có các bút danh danh khác là Lãm Thắng, Lam Thuỵ và các bút danh viết cho thiếu nhi: Nguyễn Trần Bảo Nghi, Du Lãm, Nhật Quang…

Giới thiệu tác giả Nguyễn Lãm Thắng (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

2. Sự nghiệp

– Các sáng tác của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng có ảnh hưởng rất nhiều từ người cha của mình – nhà thơ Nguyễn Sư Giao.

– Ông tốt nghiệp cử nhân văn-hoạ Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1998, sau đó ông đã từng làm nhiều nghề để kiếm sống, rồi mới về giảng dạy.

– Ông làm thơ thiếu nhi từ khi còn là sinh viên, đăng rải rác các báo, thường xuyên là báo Nhi đồng TP.HCM. Năm 2002, sau khi lập gia đình, Nguyễn Lãm Thắng càng say sưa viết cho trẻ em, cả thơ lẫn truyện.

3. Tác phẩm

– Nguyễn Lãm Thắng viết hơn 1.000 bài thơ cho thiếu nhi, đã xuất bản tập thơ Giấc mơ buổi sáng, gồm 345 bài. Năm 2019, NXB Giáo dục Việt Nam và các nhóm biên soạn SGK đã dựa vào tập Giấc mơ buổi sáng chọn ra 5 bài thơ hoặc trích đoạn thơ để đưa vào 7 cuốn SGK.

– Có thơ đăng ở nhiều tạp chí trung ương và địa phương: Kiến thức ngày nay, Nhân dân, Sông Hương, Tuổi trẻ, Tài hoa trẻ, Áo trắng, Nữ sinh,…

– Tác phẩm của Nguyễn Lãm Thắng đã xuất bản: Điệp ngữ tình (thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2007); Giấc mơ buổi sáng (333 bài thơ thiếu nhi, Nxb Đại học Huế,2012; tái bản, Nxb Văn học, 2016); Họng đêm (175 bài thơ tự do, 2012); Đầu non cuối bãi (54 bài thơ lục bát, 2014); Thương hoài thương hủy (304 bài thơ, 2020)… và hơn 400 bài thơ được phổ nhạc.

4. Quan niệm sáng tác

– Các bài thơ của Nguyễn Lãm Thắng chú trọng về mặt ngôn từ cho thiếu nhi, nó thật sự trong sáng, dễ hiểu, thi ảnh gần gũi. “Thơ thiếu nhi thì phải có vần điệu, phải có nhạc tính, như vậy các em mới dễ thuộc” – ông nói.

– Mọi khía cạnh của đời sống xã hội được đưa vào thơ ông ngồn ngộn, dạt dào tuôn chảy theo dòng cảm xúc của một con người có một lối sống nội tâm độc đáo. Tất cả đều đi vào thơ ông như là sự giãi bày những cảm xúc, những nỗi lòng, những tâm sự; có lúc đó là những lời độc thoại với chính mình như một sự chiêm nghiệm, suy ngẫm, soi xét …

5. Giải thưởng – vinh danh

– Giải thưởng báo Mực tím (Gửi tới yêu thương) năm 2003

– Giải thưởng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế 2007

– Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế 2012 và 2020.

6. Nhận định, bình luận

“Nguyễn Lãm Thắng ngông để bộc lộ cái tôi của mình, một cái tôi cô đơn, đau đớn đến tột cùng trước những thực trạng xã hội, song anh không đánh mất chính mình”. – Hoàng Thụy Anh