Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – cây bút tài hoa của văn học Nam Bộ. Nhà văn thiên về truyện ngắn nhưng chất chứa trong đó là những giá trị nhân văn cao cả về tình yêu quê hương, đất nước, con người trong những năm kháng chiến. Cùng tìm hiểu về nhà văn qua bài viết Giới thiệu tác giả Nguyễn Quang Sáng (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!
Tiểu sử
– Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12 tháng 1 năm 1932 tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông), Chợ Mới, An Giang – mất ngày 13 tháng 2 năm 2014, thọ 82 tuổi tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Biệt danh: Nguyễn sáng
– Gia đình: Con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (sinh năm 1978) và kiến trúc sư Nguyễn Viết Quang (sinh năm 1972).
– Học vấn: Năm 1948, ông được bộ đội cho đi học thêm văn hóa ở Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố
Sự nghiệp
– Tháng 4 năm 1946, Nguyễn Quang Sáng xung phong tham gia bộ đội làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2.
– Năm 1950, sau khi học xong ông công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ và làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo và Hòa Hảo.
– Năm 1955, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc rồi chuyển ngành với quân hàm Chuẩn úy về làm cán bộ Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam.
– Năm 1958, công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, giữ chức biên tập viên tuần báo Văn nghệ, biên tập cho nhà xuất bản Văn học, cán bộ sáng tác.
– Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam để làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng.
– Năm 1972, ông lại trở ra Hà Nội và tiếp tục công tác tại Hội Nhà văn.
– Sau ngày Giải Phóng 30/4/1975, ông về Thành phố Hồ Chí Minh với chức Tổng Thư ký (sau đổi tên gọi thành Chủ tịch) Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh các khóa l, II, III.
– Từ năm 1957, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội khóa II, III và là Phó tổng thư ký Hội khóa IV.
Tác phẩm
– Văn xuôi:
+ Con chim vàng (tập truyện ngắn, 1956)
+ Người quê hương (tập truyện ngắn, 1968)
+ Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1961)
+ Đất lửa (tiểu thuyết, 1963)
+ Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, 1966)
+ Chiếc lược ngà (tập truyện ngắn, 1966) – được đưa vào giảng dạy chương trình Trung học cơ sở qua Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 1 phần Văn bản từ năm học 2005 – 2006.
+ Bông cẩm thạch (tập truyện ngắn, 1969)
+ Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, 1975)
+ Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975)
+ Người con đi xa (tập truyện ngắn, 1977)
+ Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985)
+ Bàn thờ tổ của một cô đào (tập truyện ngắn, 1985)
+ Tôi thích làm vua (tập truyện ngắn, 1988)
+ 25 truyện ngắn (1990)
+ Paris – tiếng hát Trịnh Công Sơn (1990)
+ Con mèo của Foujita (tập truyện ngắn, 1991)
+ Nhà văn về làng (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2008)
– Kịch bản phim:
+ Mùa gió chướng (1977)
+ Cánh đồng hoang (1978)
+ Pho tượng (1981)
+ Cho đến bao giờ (1982)
+ Mùa nước nổi (1986)
+ Dòng sông hát (1988)
+ Câu nói dối đầu tiên (1988)
+ Thời thơ ấu (1995)
+ Giữa dòng (1995)
+ Như một huyền thoại (1995)
Giải thưởng, vinh danh
– Truyện ngắn “Tư Quắn” đạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1959
– Tác phẩm “Dòng sông thơ ấu” đạt giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn năm 1985
– Tập truyện ngắn “Con mèo của Foujita” – Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994
– Cánh đồng hoang (kịch bản phim) bộ phim được tặng Huy chương vàng liên hoan phim toàn quốc (năm 1980), Huy chương vàng liên hoan phim quốc tế ở Moskva (năm 1981)
– Mùa gió chướng (kịch bản phim) đạt huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (Hà Nội, 1980)
– Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2001.
– Tác phẩm Vểnh râu giành giải Mai vàng cho Nhà thơ xuất sắc năm 1997
Phong cách sáng tác
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho đời những tác phẩm quý giá với nội dung tràn đầy ý nghĩa, nhân văn. Lật từng trang sách của nhà văn Nam Bộ, chúng ta sẽ bắt gặp được những hình ảnh của thiên nhiên, với sông nước đẹp đẽ bình dị, và hình ảnh người dân lao động hiền lành, chất phác, dũng cảm, hào phóng, mến khách. Nhà văn đã thành công khi sử dụng nhuần nhuyễn các phương thức nghệ thuật của văn chương: miêu tả, biểu cảm, tự sự,…Lời văn nhẹ nhàng tự như khúc ca du dương dịu êm, cùng tình huống, diễn biến câu chuyện chất chứa những dòng cảm xúc lắng đọng, bồi hồi, tiếc nuối. Ví dụ như trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn đã được vô số các bạn học sinh Việt Nam theo dõi nội dung câu chuyện cũng như phân tích ý nghĩa của tác phẩm đều đã thấy được hết nét đẹp trong phong cách sáng tác của Nguyễn Quang Sáng. Qua đó chúng ta, những người đọc giả yêu thích văn học đều thấm nhuần được hình ảnh đất nước thời bấy giờ qua những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẽ nên và thấu hiểu được tâm hồn, tình yêu của con người, đất nước chảy trôi trong trái tim nhà văn.
Nhận định, đánh giá
– Nhà văn Phan Đông Thúc: “Trong các truyện tôi thích Chiếc lược ngà nhất, vì lối viết đơn giản như kể chuyện, thật tình, đẫm chất Nam Bộ. Nhân vật trong các truyện đều gần gũi, giản dị, sống phóng khoáng, rất anh hùng mà cũng rất đời thường…”
– Tiến sĩ Frank Gerke của Đức: “Theo quan điểm của tôi, Đất lửa là một trong những tiểu thuyết Việt Nam thành công nhất. Đó là một tiểu thuyết về lịch sử Nam Bộ, về chiến tranh, về cách mạng, về những khó khăn và xung đột người Nam Bộ đã phải trải qua và khắc phục trong thời gian nhất định.”
– Phan Đắc Lập từng nhận xét: “Nguyễn Quang Sáng có tài kể chuyện. Bằng một lối văn mộc mạc, anh cứ thủ thỉ kể hết cuộc tình này đến cuộc tình khác như một người nông dân Nam bộ kể chuyện đời xưa và chuyện tiếu lâm. Ấy vậy mà với những trang viết mộc mạc này, Nguyễn Quang Sáng đã chạm tới những rung động vi nhiệm của tình yêu.”
– Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Đọc Nguyễn Quang Sáng, không hiểu sao, tôi cứ hình dung nhà văn có nét gì đó của một người nông dân Nam Bộ ngang tàng, coi những chuyện nguy hiểm chết người cũng bông phèng như trò chơi con trẻ, có thể chống xuồng lao ve vé giữa lúc bom đạn đang vây bủa mù mịt, cũng có thể ngồi thì lì trong một cái quán rượu tạm bợ, dựng tồng tềnh bên vệ cỏ, ngoảnh ra phía sông nước mà nhậu lai rai, nhậu tối ngày. Con người ấy hình như vừa đơn giản, lại vừa phức tạp đến bí hiểm. Hình như đó là một phần của thiên nhiên Nam Bộ, do thiên nhiên chắt ra, bởi thế có lúc hồn nhiên như cỏ dại, có lúc ương ngạnh như vách đá”
– Nguyễn Quang Thiều: “Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn xuất sắc của Việt Nam. Các truyện ngắn của ông giản dị và dễ đi vào lòng người. Nó chứa đựng tất cả các yếu tố để làm nên vẻ đẹp cho một cậu chuyện: ngôn ngữ đối thoại, cách dựng truyện, lựa chọn nhân vật…Trong các tác phẩm ấy, ông kể câu chuyện xúc động, thật đến mực giống như không phải ông đang viết văn mà là kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của chính cuộc đời của ông vậy”