Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long về tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, giải thưởng, nhận định và đánh giá về ông.
1. Tiểu sử
– Nguyễn Thành Long (1925 – 1991), quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
– Ông là con một trong gia đình viên chức nhỏ.
– Năm 18 tuổi ông chuyển ra học ở Hà Nội và có viết cho báo Thanh Nghị (1943).
– Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Thành Long tham gia hoạt động văn nghệ trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954) ở Nam Trung Bộ và bắt đầu viết văn vào thời gian này.
– Sau 1954, tập kết ra Bắc, Nguyễn Thành Long chuyển về sáng tác và biên tập ở các báo chí, nhà xuất bản.
– Có thời gian ông còn tham gia dạy ở trường viết văn Nguyễn Du.
2. Các tác phẩm chính
– Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút chuyên viết về thể loại truyện ngắn và ký. Trong những tác phẩm truyện ngắn của mình, ông luôn tạo được những nét đặc sắc riêng qua những hình tượng đẹp, ngôn ngữ và giọng văn ngọt ngào, trong trẻo, nhẹ nhàng, nhưng rất gần gũi.
– Nổi bật nhất trong số tác phẩm của Nguyễn Thành Long là truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970, sau chuyến đi thực tế của ông đến tỉnh Lào Cai và sau đó được in trong tập Giữa trong xanh vao năm 1972.
– Nguyễn Thành Long đã cho xuất bản nhiều tác phẩm văn xuôi (tiêu biểu hơn cả là truyện ngắn, bút ký), gồm các các tập: Ta và chúng nó (tập truyện ngắn, 1950), Khúc hát của người cán bộ (truyện vừa, 1950), Bát cơm Cụ Hồ (tập bút ký, 1952), Gió bấc gió nồm (tập bút ký, 1956), Giữa trong xanh (tập truyện ngắn, 1972),….
3. Phong cách sáng tác
– Nhà văn Nguyễn Thành Long và Thạch Lam cũng có phần giống nhau, đó là thứ văn đầy chất thơ, khiến cho người đọc có cảm giác buồn man mác và dễ đi vào lòng người.
– Các sáng tác của Nguyễn Thành Long hầu như đều có một nỗi buồn vương vấn, lơ lửng và không thể nào tóm gọn được. Ông cũng có nhiều lần bị hiểu nhầm và bị phê phán bởi trong các sáng tác truyện của ông thường có ít tình huống và các chi tiết xung đột.
– Chất thơ của nhà văn xuất phát từ chính cuộc sống bao la và xuất phát từ trong sâu thẳm của lớp vỏ hiện thực đầy đau thương của con người. Các sáng tác và lối văn của nhà văn đẹp và thơ nhất chính là khi ông miêu tả về cảnh sắc và vẻ đẹp của thiên nhiên.
4. Giải thưởng và vinh danh
– Nguyễn Thành Long nhận được giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội văn nghệ liên khu V trao tặng vào năm 1953 cho tập bút ký Bát cơm Cụ Hồ (1952).
– Ngày 25 tháng 7 năm 2008, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
5. Nhận định và đánh giá về tác giả Nguyễn Thành Long
– Vương Trí Nhàn viết: “Trong ý nghĩ của một số người chúng tôi hồi ấy, Nguyễn Thành Long là nhà văn vừa có vốn liếng thực tế, vừa có học, lại có tấm lòng đôn hậu. Tài năng của anh là do công phu rèn luyện mà nên, có vẻ nó như một thứ tài có thể cố mà được nên chúng tôi càng thấy gần”.
– Nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Nguyễn Thành Long, từ trước tới nay, qua các tác phẩm của mình, đã cho ta thấy rõ hơn những thuận lợi của ông trong khai thác vỉa sống. Ông có những ngày qua thiết tha nhất, chưa lý trí lắm nhưng chằng chịt những khắc họa sâu sắc. Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Thành Long tương tự như một trang đời, một mảng, một nét của cuộc sống chắt ra”.
– Nguyễn Đăng Mạnh: “Trước những năm 80, Nguyễn Thành Long sáng tác rất đều đặn, lặng lẽ và miệt mài. Tuy chất lượng các tác phẩm không đều, nhưng ông được coi là “cây truyện ngắn” có uy tín, cóphong cách riêng”.