Giới thiệu tác giả Nguyễn Trọng Tạo về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Nguyễn Trọng Tạo (25/8/ 1947 – 7/1/2019), ông sinh ra trong một gia đình nho học.
– Quê gốc: Làng Trường Khê, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
– Ông còn có các bút danh khác như: Cẩm Ly, Nguyễn Vũ Trọng Thi, Nguyễn Vũ Bảo Chi, Vũ Kim Thanh, Nguyễn Trọng, Tao Ngu Tử,…
– Ông là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam; nguyên Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn nghệ
2. Sự nghiệp
– Năm 1969, ông tham gia quân đội, thuộc Đoàn 22, Quân khu 4. Từng giữ chức vụ Đội trưởng Đội tuyên truyền văn hóa Đoàn 22B, Trưởng đoàn văn công xung kích Sư đoàn 341B.
– Năm 1976, ông bắt đầu tham gia Trại viết văn quân đội rồi vào học Đại học viết văn Nguyễn Du khóa I.
– Năm 1982, Nguyễn Trọng Tạo làm Trưởng ban biên tập Nhà Văn hóa Quân khu 4.
– Năm 1988, ông bắt đầu làm công tác biên tập xuất bản tại Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên.
– Năm 1990, Nguyễn Trọng Tạo cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập sáng lập tạp chí Cửa Việt, làm biên tập và phụ trách mỹ thuật tạp chí này bộ đầu tiên gồm 17 số.
– Năm 1997 làm Thư ký Tòa soạn tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Trọng Tạo còn là họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt, tạp chí Âm nhạc, báo Thơ, tác giả măng-sét tạp chí Sông Hương, Sông Lam, Hồng Lĩnh, báo Thơ,….
– Năm 2000–2005 ông là Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ (2003–2004).
3. Tác phẩm
* Thơ
– Tình yêu sáng sớm (in chung với Nguyễn Quốc Anh), 1974;
– Gương mặt tôi yêu (in chung với Trần Nhương, Khuất Quang Thụy), 1980;
– Sóng nhà đêm biếc tôi yêu (in chung với Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha), 1984;
– Sóng thủy tinh, 1988;
– Gửi người không quen, 1989;
– Đồng dao cho người lớn, 1994, 1999;
– Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống, 1995;
– Nương thân, 1999;
– Thơ trữ tình, 2001;
– 36 bài thơ, 2006;
– Thế giới không còn trăng, 2006;
– Em đàn bà, 2008;
– Ký ức mắt đen, (song ngữ Việt – Anh), 2010;
– Thơ và Trường ca, 2011;
– Nến trắng (tam ngữ Việt – Anh – Ba Lan), 2014.
* Trường ca
– Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), 1981, 2008;
– Tình ca người lính, 1984.
* Văn xuôi
– Miền quê thơ ấu, 1988, tái bản với tên Mảnh hồn làng 1997, 2002, 2005;
– Ca sĩ mùa hè. 1991, 1998, 2003…;
– Khoảnh khắc thời bình, 1987;
– Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ, 2001.
* Tiểu luận, phê bình
– Văn chương cảm và luận, 1999.
* Nhạc
– Ca khúc Nguyễn Trọng Tạo, 1996;
– Tình khúc bốn mùa, 1996;
– Khúc hát sông quê, 2002.
4. Phong cách sáng tác
Nét riêng của thơ ông trước hết ở sự đan xen hòa quyện nhuần nhị giữa thế sự với tâm tình riêng. Trong vẻ “thản nhiên, nhẹ nhàng và dễ dàng”, thơ ông nói được những điều lớn lao và sâu xa của cuộc sống thế sự. Và sau: vẻ “thản nhiên” ấy của thơ là những ưu tư, trăn trở da diết của nhà thơ về cuộc đời với “Bao nhiêu câu hỏi” mà “câu trả lời thật không dễ dàng chỉ” như nhà thơ.
5. Giải thưởng – vinh danh
– Giải thưởng Thơ Nghệ An 1969;
– Giải thưởng Thơ hay Báo Văn nghệ (do độc giả bình chọn) năm 1978;
– Giải thưởng Thơ hay báo Nhân dân 1978;- Giải thưởng Thơ hay Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1978;
– Giải thưởng đặc biệt của UBND tỉnh Hà Bắc năm 1981 cho Ca khúc Làng Quan Họ quê tôi;
– Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1989-1994) cho Tập truyện Miền quê thơ ấu;
– Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1995-2000) cho Tập thơ Đồng dao cho người lớn;
– Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (1997-2002) cho Ca khúc Đôi mắt đò ngang;
– Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 của Ủy ban Toàn quốc Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho Ca khúc Đôi mắt đò ngang;
– 5 Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các ca khúc: Mặt trời trong thành phố (1983); Đường về Thạch Nham (1984); Con dế buồn (1997); Đồng Lộc Thông ru (1998); Khúc hát sông quê ( 2005);
– 2 Giải thưởng của Bộ Văn hóa và Thông tin cho bìa sách đẹp: Những con chim kêu đêm, Khát;
– Giải thưởng của Hội Nông dân Việt Nam 2001 cho Ca khúc Cánh đồng ở giữa hai làng;
– Giải thưởng (Cup) Những ca khúc hay về Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (1945-2010) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho 2 ca khúc “Làng Quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê”;
– Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 với Tập thơ Đồng dao cho người lớn và Trường ca Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).
6. Nhận định, bình luận
– “Nguyễn Trọng Tạo là một Người Thơ nghịch ngợm, thơ thẩn đi giữa dòng đời rồi bỗng dưng bị lạc. Anh chàng ấy thỉnh thoảng tung ra một vì sao để soi rạng Cõi Đi. Chúng ta may mắn nhặt được những Vì sao Lạc ấy, và thấy sáng lại lòng mình…” – Thụy Khuê
– “Thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt… Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi, và, lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt…”- Hoàng Ngọc Hiến
– “Nếu người đọc muốn tìm thấy ở thơ Nguyễn Trọng Tạo câu trả lời chức năng của thơ là gì thì khó mà có một lời giải đáp cụ thể. Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại. Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút anh thoải mái với những điều không phải dễ nói ra…” – Vũ Cao