Phạm Ngũ Lão – một danh tướng thời Trần, có công lao to lớn trong việc bảo vệ bờ cõi nước nhà. Ông không chỉ là võ tướng mà còn có niềm yêu thích thơ ca, văn chương hào hùng thể hiện trí làm trai, xây dựng sự nghiệp. Cùng tìm hiểu về nhà thơ, danh tướng thời Trần với bài viết Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!
Tiểu sử
– Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255 mất năm 1320, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
– Gia đình: ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. Cha là Phạm Tiên Công, vợ là quận chúa Anh Nguyên con gái nuôi của Trần Hưng Đạo.
Sự nghiệp
– Phạm Ngũ Lão từng giữ chức cai quản quân Cấm Vệ nhờ Hưng Đạo Vương tiến cử.
– Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên (năm 1285 – 1288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công như: đập tan đội binh thuyền khổng lồ, mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường rút chạy của địch ở biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng, bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.
– Năm 1290: vua Trần Nhân Tông đã giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức thành Hữu Kim ngô Đại tướng quân.
– Năm Giáp Ngọ (năm 1294): nhờ lập công khi đi đánh ở Ai Lao, Phạm Ngũ Lão được ban Kim Phù (tức là binh phù làm bằng vàng), đến năm Đinh Dậu (năm 1297) cũng nhờ có công đánh ở Ai lao lần hai mà ông được ban Vân Phù (tức là binh phù có khắc chạm hình mây).
– Năm Tân Sửu (năm 1301): ông được phong chức làm Thân Vệ Đại tướng quân và được ban Quy Phù (tứclà binh phù có chạm hình con rùa).
– Đến đời vua Trần Anh Tông thì Phạm Ngũ Lão được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu.
– Phạm Ngũ Lão đã ba lần đưa quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao. Hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng và vua Chế Năng phải bỏ chạy sang Java.
– Khi Phạm Ngũ Lão mất thì Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 5 ngày và phong ông là Thượng Đẳng Phúc Thần.
– Phạm Ngũ Lão không chỉ có tài về quân sự, mà ông còn để lại cho đời nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước.
Tác phẩm
– Hiện nay tác phẩm của Phạm Ngũ Lão chỉ còn sót lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).
Giải thưởng, vinh danh
– Ngày nay ở Việt Nam có một số con đường, phố và ngôi trường mang tên Phạm Ngũ Lão.
– Nhân dân xã Phù Ủng đã dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông và ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo.
Phong cách sáng tác
Sáng tác của Phạm Ngũ Lão đã biểu hiện chí làm trai của trang nam nhi thời kì phong kiến, làm nên nghiệp lớn, cống hiến vì dân, vì nước, để lại tiếng thơm cho đời, nhận được sự ngợi ca, tôn vinh của mọi người. Chính vì thế mà trong thơ của ông thể hiện được một lí tưởng sống tích cực, tiến bộ, mà không phải bất kì nam nhân nào cũng có thể quyết tâm làm nên cơ nghiệp. Từ đó mà thơ ông truyền đến không khí cổ vũ tinh thần, khích lệ ý chí của người đọc vì một tương lai tươi sáng, có ích.
Nhận định, đánh giá
– Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên: ” Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm Điện Súy (chỉ Phạm Ngũ Lão) thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, nào phải riêng chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai có thể vượt qua nổi các ông”.