Giới thiệu tác giả Phan Văn Trị (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Phan Văn Trị một nhà thơ yêu nước dũng cảm, tài hoa, sẵn sàng dùng ngòi bút của mình vạch trần tội ác của bọn quan hư vinh, nhưng kẻ bán nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cùng tìm hiểu về nhà thơ qua bài viết Giới thiệu tác giả Phan Văn Trị (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!

Tiểu sử

– Phan Văn Trị (1830-1910), còn gọi là Cử Trị là một nhà thơ Việt Nam trong thời kỳ đầu kháng Pháp của dân tộc Việt.

– Quê quán: thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre.

– Gia đình: hân phụ ông tên là Phan Văn Tấn thuộc dòng dõi Phan Văn Triệu, một võ tướng đã từng giúp Nguyễn Ánh chống nhau với Tây Sơn, về sau được liệt vào miếu Trung hưng công thần tại cố đô Huế. Vợ ông tên là Đinh Thị Thanh (1835 – 26 tháng 6 năm 1911).

– Học vấn: Khoảng năm 1847 – 1848, ông đến làng Hạnh Thông Tây, Gia Định (nay là Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) trú ngụ tại nhà người thân để học. Khoa thi Hương năm Tự Đức thứ 3 (Kỷ Dậu, 1849) tại trường thi Gia Định, ông đỗ thứ 10 trên 17 Cử nhân Năm ấy, ông vừa tròn 19 tuổi. Nhân việc đỗ Cử nhân, nhân dân trong vùng gọi ông là Cử Trị.

Giới thiệu tác giả Phan Văn Trị (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Sự nghiệp

– Với tài học đó, Cử Trị có thể ra làm quan, nhưng buồn vì thời cuộc cứ rối ren… ông không ra làm quan, mà về sống đạm bạc bằng việc dạy học ở làng Bình Cách (nay thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An).

– Sau, ông tị địa về Vĩnh Long, rồi về Phong Điền (Cần Thơ). Tại đó, ông dạy học, bốc thuốc và làm thơ…

– Sáng tác của ông có thể chia làm hai giai đoạn: trước khi Pháp xâm lược và sau khi Nam Kỳ rơi vào tay giặc.

Tác phẩm

– Cám cảnh An Giang

– 10 bài Cảm hoài

– Cào cào

– Chùa hư

– Con mèo

– Con muỗi

– Con rận

– Cối xay

– 2 bài Đá cá lia thia

– Đồn lính mã tà

– Gia Định thất thủ vịnh

-10 bài Hoạ “Giang sơn ba tỉnh”

– Hoạ “Tôn phu nhân quy Thục”

– Hoạ “Từ Thứ quy Tào”

– Hoạ “Vịnh Thuý Kiều”

– Hột lúa

– 2 bài Ngư ông bài

– Nhượng địa

– Ông Táo

– Quán nước

– Thất thủ Vĩnh Long

– Thợ may

– Vịnh hát bội

– Gia Định thất thủ vịnh

Vinh danh

– Năm 2005, chính quyền cùng nhân dân đã cho xây dựng đền thờ, trùng tu phần mộ Phan Văn Trị và cải táng mộ vợ ông ở gần đó về nằm cận kề, thuộc ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, hàng năm, đều có tổ chức lễ giỗ trọng thể.

– Tại xã Thạnh Phú Đông, quê hương Phan Văn Trị, đầu năm 1998, chính quyền huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) cũng đã cho xây dựng nhà tưởng niệm Phan Văn Trị.

– Hiện nay, nhiều trường học, đường phố ở nhiều nơi mang tên Phan Văn Trị.

Phong cách sáng tác

– Sáng tác thơ của Phan Văn Trị có thể được chia ra làm hai giai đoạn trước khi Pháp xâm lược và sau khi Nam Kỳ rơi vào tay giặc.

+ Giai đoạn đầu hay chính là giai đoạn trước khi Pháp xâm lược nước ta thì phần lớn các tác phẩm của ông đều được viết nhằm lưu giữ, gửi gắm những tâm sự, suy tư, quan điểm của bản thân ông trước thế sự, phê phán quan lại, tầng lớp bất tài, dốt nát và ham hư vinh.

+ Giai đoạn sau thì Phan Văn Trị chuyển hướng ngòi bút của chính mình sang chống giặc cướp nước cùng đám tay sai bán nước.

– Là người học rộng hiểu xa, Phan Văn Trị với cái tài của người nghệ sĩ cùng một lượng kiến thức uyên bác đã tạo ấn tượng sâu đậm trong lịch sử văn chương yêu nước chống xâm lược, trở thành ngọn giáo dẫn đường cho tinh thần yêu nước đi lên, cho bọn bản nước thấy được sự dũng cảm, quật cường của con người Việt Nam.

Nhận định, đánh giá

Nhà thơ Bảo Định Giang nêu nhận xét: “Sau Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị xông xáo tiến lên đánh địch như một dũng sĩ. Ngòi bút trong tay ông trở thành ngọn giáo, nhằm thẳng vào bọn bán nước, đánh rất đau, khiến đối phương không cựa quậy được…

Và một điều ai cũng rõ: Phan Văn Trị dùng bút đánh Tôn Thọ Tường, không đơn giản như đánh một tên tay sai võ biền dung tục …mà đối thủ của ông là bạn cũ, từng xướng họa với ông ở Thi xã Bạch Mai ngày nào… Để rồi bằng sức mạnh chính nghĩa, Phan Văn Trị đã giáng cho đối thủ của mình những đòn bất ngờ, giành thế chủ động từ đầu đến cuối…”

Trong Bản lược đồ văn học VN, GS. Thanh Lãng cũng đã viết: “Phan Văn Trị là phát ngôn viên cho phe chủ chiến. Chính ông đã đập vỡ cái thành trì yên lặng của nhà Nho, xung phong đứng ra tố cáo và kết án phái chủ hòa. Mỗi khi phe địch lên tiếng biện hộ, thanh minh… là ông lại viết bài vạch trần mưu mô, tâm địa thấp hèn của họ. Cái mới mà Phan Văn Trị đưa vào văn học thế hệ này chính là ở chỗ đó…”

Từ điển văn học (bộ mới) có đoạn: ” Bị dư luận lên án gay gắt, Tôn Thọ Tường làm bài thơ “Từ Thứ quy Tào” để ngụy biện, chống đỡ cho hành động phản dân hại nước của y. Phan Văn Trị công kích luận điệu của Tường bằng bài thơ “Hát bội”.

Cuộc bút chiến dưới hình thức họa thơ nổ ra từ đó. Tôn Thọ Tường làm 10 bài thơ liên hoàn tự thuật, tán dương sức mạnh vật chất của thực dân, cho rằng lực lượng kháng chiến non kém khó mà địch nổi, và trong thực tế cuộc kháng chiến đang lâm vào cảnh bi thảm. Cho nên người trí thức khôn ngoan là phải biết tùy thời mà ở.

Họa lại những bài thơ ấy, Phan Văn Trị đã mắng Tôn Thọ Tường bằng những lập luận sắc sảo, bằng những hình tượng độc đáo, rất đắt…Trong cuộc họa thơ này, Phan Văn Trị đã lôi cuốn được đông đảo sĩ phu Nam Kỳ vào cuộc như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu…”