Giới thiệu tác giả Pờ Sảo Mìn về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Nhà thơ Pờ Sảo Mìn (hay Pờ Seo Cảo) sinh ngày 01/10/1944.
– Quê ở xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
– Ông là người dân tộc Pa Dí, là một trong những nhà thơ dân tộc thiểu số nổi tiếng nhất trong làng thơ Việt – nhà thơ duy nhất của một dân tộc chỉ có khoảng 2000 người. Thơ ông là niềm mong ước tộc người Pa Dí của mình luôn bình yên và phát triển.
– Ông còn có các bút danh khác là: Bạch Minh, Thiếu Minh, Pao Li.
2. Sự nghiệp
– Do hoàn cảnh gia đình không được đi học, ông từ một thiếu niên không biết chữ và từ một người đi chăn ngựa cho cơ quan huyện Mường Khương sau kháng chiến chống thực dân Pháp và tiễu phỉ ở vùng biên giới, Pờ Sảo Mìn đã vừa làm, vừa học và tốt nghiệp văn hóa cấp II.
– Năm 1970, Pờ Sảo Mìn là một trong những thanh niên dân tộc ít người đầu tiên của tỉnh Lào Cai được chọn sang học nghề cơ khí luyện kim ở Tiệp Khắc.
– Do có năng khiếu về văn học nên sau khi trở về quê hương làm công nhân được vài năm, Pờ Sảo Mìn đã xin chuyển sang làm việc ở hội văn nghệ tỉnh Lào Cai.
– Ông là người thứ hai ở tỉnh Lào Cai (sau nhà văn người dân tộc Mông Mã A Lềnh) được chọn thẳng vào học và sau đó tốt nghiệp với bằng cử nhân sáng tác văn học (khóa 2) của trường viết văn Nguyễn Du.
3. Tác phẩm tiêu biểu
– Cây hai ngàn lá (1991)
– Rừng sáng (1977)
– Mắt lửa (1995)
– Núi mọc trong mặt gương (1978)
– Hoa trên núi đá (1975)
– Bài ca hoang dã (1993).
– Cung đàn biên giới (2002)
4. Phong cách sáng tác
– Sự độc đáo của Pờ Sảo Mìn là tư duy mạch lạc, diễn đạt gọn rõ, dễ hiểu không quá tân kỳ về hình thức biểu hiện, ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình, hình ảnh thơ đẹp dễ neo vào lòng bạn đọc. Kết hợp giữa dân tộc và hiện đại, trong nhiều bài thơ của Pờ Sảo Mìn thể hiện rõ chất triết lý nhân sinh. Những triết lý của ông không khô khan mà thấm đượm vào từng câu chữ, hình ảnh.
– Thơ ông chứa chan niềm tự hào, khẳng định chiều sâu văn hóa của một dân tộc, đồng thời là thái độ tự tôn về một dân tộc có thể ít người nhưng không thua kém bất cứ dân tộc nào dẫu có số dân đông hơn. Thơ Pờ Sảo Mìn ăm ắp tình yêu với quê hương. Vẻ đẹp quê hương còn được thể hiện ở sự đổi thay từng ngày từng giờ nhờ ánh sáng của Đảng, Chính phủ và tình đoàn kết gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
5. Giải thưởng – vinh danh
– Thơ ông đã giành được 5 giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai.
– Giải thưởng Phan Si Păng đợt đầu năm 2002 cho tập thơ Cây hai ngàn lá.
6. Nhận định, bình luận
– “Từ trường hợp của Pờ Sảo Mìn, tôi nghĩ, mỗi nhà thơ cần và phải trở thành đặc sắc. Đó là lý do tồn tại. Được như vậy, khó lắm thay. Nhà thơ có trách nhiệm trở thành một của hiếm. Anh phải làm cho người ta cảm nhận ra cuộc sống như mới lần đầu. Thơ phải trở nên như chưa từng có” – Hữu Thỉnh
– “Pờ Sảo Mìn vẫn tự ví mình chỉ là một chiếc lá, trong cái cây có hai ngàn lá của tộc người Pa Dí ở đất Mường Khương. Nhưng tôi nhận ra rằng, bây giờ tộc người Pa Dí của lão không chỉ có một cây, mà thành rừng rồi. Và lão đã là cái cây cổ thụ trong khu rừng ấy, rễ bám chặt vào núi đá Mường Khương.” – Hà Văn Thể