Đại thi hào của nước Nga – Pu-skin, một trong những nhà thơ mang chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Nga lên một tầm cao mới. Chúng ta cùng tìm hiểu về đại thi hào thông qua bài viết Giới thiệu tác giả Pu-skin (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!
Tiểu sử
– Pu-skin (Aleksandr Sergeyevich Pushkin) sinh ngày 6 tháng 6 năm 1799 (ngày 26 tháng 5 theo lịch cũ) tại thành phố Moscow, Nga – mất ngày 10 tháng 2 năm 1837 tại Sankt-Petersburg, Nga (thọ 37 tuổi).
– Pu-skin sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Nga có nguồn gốc từ thế kỷ XII. Cha của Pu-skin là Sergey Levov, hậu duệ của dòng dõi gia đình Boyar cũ ( có tước hiệu cao cấp nhất trong tầng lớp quý tộc của Nga và Romania thời đại xưa). Mẹ Pu-skin, bà Nadezhda Osipovna, thuộc dòng dõi Abram Petrovich Gannibal, bà ngoại Maria Alekseevna Gannibal người đã chăm sóc, nuôi dưỡng nhà thơ khi ông còn nhỏ. Thi hào của nước Nga còn có một người chị gái tên Olga và người em út Leo. Vợ ông tên là Natalia Goncharova, cả hai đã có với nhau bốn người con lần lượt là Maria, Aleksandr Fremke, Grigory, Natalia Aleksandrovna.
– Học vấn: Lên sáu tuổi, Pu-skin được tuyển vào trường Lyceum Hoàng gia , tại Tsarskoe Selo (Hoàng Thôn, nay là thị trấn Pushkin) tọa gần kinh đô Sankt-Peterburg. Ông có bài thơ nổi tiếng với chủ đề về cuộc chiến tranh giữa quân đội Nga hoàng với quân Pháp diễn ra trong thời gian nhà thơ đang theo học tại trường – “Hồi ức ở Hoàng Thôn”.
Sự nghiệp
– Sau khi tốt nghiệp trường Lyceum, Pu-skin đã tích cực tham gia vào các hoạt động của văn học nghệ thuật trong giới quý tộc trí thức trẻ tại Sankt-Peterburg.
– Năm 1820: Pu-skin cho in bản trường ca đầu tiên của mình – “Ruslan và Lyudmila”. Những bài thơ của ông bị coi là phiến loạn, thống đốc Sankt-Peterburg hiện là bá tước Miloradovich đã quyết định đày Pu-skin tới Siberia, song cuối cùng ông chỉ phải chịu mức án nhẹ hơn là bị trục xuất khỏi thành phố Sankt-Peterburg vô thời hạn nhờ có sự giúp đỡ của những người bạn Nikolai Mikhailovich Karamzin, Pyotr Yakovlevich Chaadayev, Fyodor Nikolayevich Glinka.
– Sau khi rời khỏi Sankt-Peterburg, Pu-skin đã đi xuống miền nam của nước Nga, rồi tới Kavkaz và Krym, Moldova, Kiev. Trong khoảng thời gian này thì ông vẫn tiếp tục sáng tác để cho ra đời những tác phẩm mới có sức ảnh hưởng lớn, sâu sắc tới văn chương Nga thế kỷ XIX.
– Tháng 7 năm 1824: Pu-skin với đơn xin ân xá đã được chính quyền cho phép về ở trang viên Pskov tọa tại vùng Mikhailovskoe dưới sự kiểm soát của gia đình.
– Cuối năm 1825: Pu-skin thông qua một số viên chức có thiện chí, tiếp cận được Nga hoàng Nikolai I để đệ đơn xin ân xá và được chấp thuận. Song sau đó, do sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp năm 1825 tại Sankt-Peterburg, chính quyền quyết định buộc nhà thơ phải chịu bị quản thúc tại gia và quá trình kiểm duyệt các tác phẩm của ông trở nên nghiêm khắc hơn.
– Năm 1831: Pu-skin đã có buổi gặp gỡ với Nikolai Vasilyevich Gogol – một nhà văn nổi tiếng khác của nước Nga. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân trí cốt, luôn hỗ trợ nhau trong các hoạt động nghệ thuật.
– Đầu năm 1834: Nhờ có sự sủng ái của Nga hoàng Nikolai I, chế độ quản thúc đối với Pu-skin được nới lỏng, song những tác phẩm thơ ca của ông muốn được phát hành thì phải có sự đồng ý của Sa hoàng. Do vậy hoàn cảnh kinh tế của ông trở nên không được thuận lợi, Pu-skin đã phải đăng ký tham gia vào một chức vụ thư lại trong viện biên sử của Sa hoàng.
Tác phẩm
– Sử thi:
+ 1820: Ruslan và Lyudmila
+ 1820/21: Người tù ở Kavkaz
+ 1821: Bài ca Gavriil
+ 1821/22: Anh em lũ cướp
+ 1821/22: Vadim
+ 1821/23: Đài phun nước Bakhchisaray
+ 1824: Đoàn người Sygan
+ 1825: Bá tước Nulin
+ 1825: Chàng rể
+ 1829: Poltava
+ 1829/30: Tazit1830: Căn nhà nhỏ ở Kolomna
+ 1830: Chuyện ông cố đạo và người làm công Balda
+ 1830: Chuyện nhà gấu
+ 1831: Chuyện vua Saltan
+ 1825/32: Yevgeny Onegin
+ 1832: Yezersky
+ 1833: Angelo; Chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng; Chuyện nàng công chúa chết chóc và bảy tráng sĩ; Kị sĩ đồng
+ 1834: Chuyện con gà trống vàng
– Kịch:
+ 1825: Boris Godunov
+ 1830: Bi kịch nhỏ
– Văn xuôi:
+ 1827: Người da đen của Pyotr Đại đế (tiểu thuyết chưa hoàn thành); Cuốn tiểu thuyết về những bức thư
+ 1831: Tập truyện của ông Ivan Petrovich Belkin quá cố (tập truyện ngắn)
+ 1833: Dubrovsky (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
+ 1834: Con đầm pích; Kirjali (truyện ngắn); Lịch sử cuộc nổi dậy Pugachyov (tiểu thuyết)
+ 1835: Cuộc hành trình đến Arzrum trong một kế hoạch năm 1829 (du ký)
+ 1835: Đêm Ai Cập (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
+ 1836: Người con gái viên đại úy (tiểu thuyết); Roslavlyov (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
+ 1837: Biên niên sử làng Goryukhino (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
– Thơ:
+ Arion
+ Bác thợ xay
+ Bài thơ đề vào bức hoạ Giu-cốp-xki
+ Bậc tiên tri
+ Bên đoá hồng
+ Buổi sáng mùa đông
+ Ca sĩ
+ Cãi nhau vô hại
+ Cánh hoa đồng nở muộn màng
+ Cây Antra
+ Chỉ tình yêu
+ Chiếc khăn san màu đen
+ Dông tố
+ Đại tiệc của Pi-e Đại đế
+ Đám mây đen
+ Đêm
+ Giã từ
+ Giấc mơ
+ Gửi biển K
+ Tôi yêu em
+ Một chút tên tôi đối với nàng
+ Con đường mùa đông
+ Gửi… (Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu)
+ Bông hoa nhỏ…
Giải thưởng, vinh danh
– Năm 1929: nhà văn Leonid Grossman đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Kí sự d’Archiac kể về cái chết của Pu-skin từ góc nhìn của một nhà ngoại giao người Pháp khi chứng kiến cuộc đọ súng sinh tử của Pu-skin.
– Năm 1937: thành phố Tsarskoye Selo (Hoàng Thôn) được đổi tên thành thành phố Pushkin để nhằm tôn vinh nhà thơ vĩ đại.
– Một số bảo tàng ở Nga đã trưng bày về Pu-skin, bao gồm: hai bảo tàng tại Pushkin, một bảo tàng ở Sankt-Peterburg và một tổ hợp bảo tàng lớn ở Mikhaylovskoye.
– Nhà thiên văn học Xô viết Nikolai Chernykh phát hiện một tiểu hành tinh vào năm 1977, và tiểu hành tinh đó đã được vinh dự mang tên ông – 2208 Pushkin. Một miệng hố trên Sao Thủy cũng được đặt theo tên Pushkin.
– Một nhà ga tàu điện ngầm ở Tashkent được đặt theo tên nhà thơ.
– Đồi Pushkin và hồ Pushkin nằm ở quận Ben Nevis, địa hạt Cochrane, Ontario, Canada.
– Để kỷ niệm quan hệ Philippines – Nga vào năm 2010, một bức tượng Pushkin được dựng lên bên trong Vườn Mehan ở Manila, Philippines.
– Viên kim cương lớn thứ hai tìm thấy trên lãnh thổ Nga và Liên Xô trước đây, được đặt theo tên ông – Kim cương Alexander Pushkin.
– Vào ngày 28 tháng 11 năm 2009: Đài tưởng niệm Pushkin được dựng ở Asmara, thủ đô Eritrea.
– Năm 2019: sân bay quốc tế Sheremetyevo của Moskva được đặt tên Pushkin, thuận theo kết quả của cuộc thi Những tên tuổi Nga vĩ đại.
Phong cách sáng tác
Đại thi hào của nước Nga – Pu-skin, một trong những nhà thơ mang chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Nga lên một tầm cao mới. Thơ của Pu-skin mang theo hơi thở của trường phái cổ điển, kết hợp với phái lãng mạn, hòa trộn, tiến tới trường phái hiện thực, thể hiện một tâm hồn nồng nhiệt luôn khao khát, mong cầu sự tự do và bộc bạch một tình yêu ấy dành cho những người dân Nga.
Thơ của ông tựa như làn gió mới thổi vào thơ ca lãng mạn của nước Nga, người đọc khi chiêm nghiệm tác phẩm của ông đều bất chợt cảm nhận được những điều mới mẻ, có thể nhìn nhận ở mọi góc nhìn, từ đó cho thấy được tài năng của một thiên tài, sự hiểu biết phong phú, đa dạng về ngôn từ nước nhà, và cách sáng tác nên không khí, vẽ nên những bức tranh hình ảnh trân thực, giàu xúc cảm của người nghệ sĩ. Nhịp điều trong các bài thơ đều như làn sóng nhẹ nhàng, dịu êm, tiết tấu, tình huống, diễn biến câu chuyện trong những trang văn xuôi của nhà văn Pu-skin đều được đúc kết tỉ mỉ, tinh tế, diễn đạt tỉ mỉ, nhân vật như được truyền hơi thở của sự sống, trở nên sinh động hơn.
Nhận định, đánh giá
– Vladimir Nabokov: “Thi pháp Pushkin tổng hòa tất cả yếu tố tiếng Nga thời bấy giờ, kết hợp với những điều ông học từ Derzhavin, Zhukovsky, Batyushkov, Karamzin và Krylov.”
– Trong bài ai điếu Pushkin, Vladimir Odoyevsky đã gọi nhà thơ quá cố:“Mặt trời trong nền thơ ca của chúng ta”.
– Nhà văn Nikolai Gogol: “Pushkin là một hiện tượng phi thường, và có lẽ, là hiện thân duy nhất của tinh thần Nga: đó là con người Nga trong quá trình phát triển, có lẽ hai trăm năm mới xuất hiện một lần.”
– Nhà triết học, nhà phê bình văn học danh tiếng Belinsky khẳng định Pushkin: “thi sĩ đầu tiên, nghệ sĩ đầu tiên của nước Nga”; “bộ bách khoa toàn thư của hiện thực đời sống Nga nửa đầu thế kỉ XIX”.
– Tiểu thuyết gia vĩ đại Dostoevsky: ” Với Onegin, với những thi phẩm bất tử và xuất chúng, Pushkin đích thực là tác gia vĩ đại của đất nước, chưa từng xuất hiện trong lịch sử dân tộc.”
– Nhà thơ Nga Apollon Grigoriev: “Pushkin là tất cả của chúng ta, là đại diện cho tinh thần, nét đặc sắc của chúng ta – những gì còn lại sau khi chúng ta đối mặt với những điều xa lạ, với một thế giới khác!”