Giới thiệu tác giả Quang Dũng (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Nhà thơ Quang Dũng – cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Tìm hiểu về nhà thơ qua bài viết Giới thiệu tác giả Quang Dũng (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) nhé!

Tiểu sử

– Quang Dũng tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1921 – mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

– Quê quán: làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

– Học vấn: Học tại Ban trung học trường Thăng Long, Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây.

– Gia đình: Con trai cả Bùi Quang Vĩnh, Bùi Phương Hạ, Bùi Quang Doãn, Bùi Quang Thuận, con gái út Bùi Phương Thảo.

Giới thiệu tác giả Quang Dũng (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Sự nghiệp

– Sau khi tốt nghiệp tại trường Thăng Long, Quang Dũng đi dạy học tư ở Sơn Tây.

– Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.

– Sau khoá học tại trường bổ túc Quang Dũng giữ chức Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến.

– Quang Dũng tham gia vào chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Trong khoảng thời gian này, ông được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào – Việt.

– Cuối năm 1948, chiến dịch Tây Tiến kết thúc ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi giữ chức Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.

– Tháng 8 năm 1951 Quang Dũng xuất ngũ.

– Sau năm 1954, ông chức chức Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Văn học.

Tác phẩm

– Bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng, được nhiều người biết đến như:

+ Tây Tiến

+ Đôi mắt người Sơn Tây

+ Đôi bờ

+ Quán bên đường

+ Lính râu ria

– Tác phẩm đã xuất bản như:

+ Mùa hoa gạo (tập truyện ngắn, 1950)

+ Bài thơ sông Hồng (truyện thơ, 1956)

+ Rừng biển quê hương (tập thơ in chung cùng với Trần Lê Văn, 1958)

+ Đường lên châu Thuận (tập bút ký, 1964)

+ Rừng về xuôi (tập bút ký, 1964)

+ Nhà đồi (truyện ký, 1970)

+ Làng Đồi đánh giặc (hồi ký, 1976)

+ Mây đầu ô (tập thơ, 1986)

+ Quang Dũng – Tác phẩm chọn lọc (1988)

+ Đoàn binh Tây Tiến (di cảo – hồi kí, 2019)

Giải thưởng, vinh danh

– Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

– cuốn sách hồi ký Đoàn binh Tây Tiến đạt được Giải A giải thưởng sách quốc gia năm 2020

– Một số bài thơ của Quang Dũng đã được phổ nhạc như Tây Tiến (Phạm Duy phổ nhạc), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây), Kẻ ở (Cung Tiến phổ nhạc),…

– Trường Tiểu học Thị trấn Phùng (cấp 3 Đan Phượng cũ) đặt một bức tượng Quang Dũng trong trang phục người lính Tây Tiến.

Phong cách sáng tác

Quang Dũng không chỉ là một nhà thơ tài hoa, mà ông còn là người nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ. Nhà thơ viết về những điều diễn ra trên hành trình kháng chiến, bày tỏ dưới lăng kính của một người lính tham gia trực tiếp, nên đối với ông những đoạn tình cảm không ai có thể bộc lộ một cách chân thực nhất, người đọc có thể tưởng tượng được hình ảnh ấy rõ hơn là ông. Trang thơ của ông mang màu sắc hiện thực và lãng mạn, ngòi bút sắc sảo, trữ tình, mang bài thơ về chiến tranh có những dòng cảm xúc chân thật, thể hiện cảm giác gian khổ, mất mát, hi sinh, một nỗi buồn day dứt, nhưng cũng bộc bạch niềm lạc quan, khỏe khoắn, tươi sáng hướng về hi vọng chiến thắng. Giọng điệu chan chứa sự chân thành, bi tráng, hào hùng, phản ánh tinh thần nhiệt huyết và cái chất lãng mạn, gắn với lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc ta. Thế nên, thế hệ trẻ khi đến với tác phẩm của Quang Dũng, nhất là bài thơ Tây Tiến đều sự thổn thức, nỗi niềm tiếc thương trước tinh thần bất khuất, dũng cảm của những người lính.

Nhận định, đánh giá

Nhà thơ Vân Long: “Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên trời, cá dưới nước mà thành độc đáo”

Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Quang Dũng là một nhà thơ của Hà Nội, một nhà thơ của Việt Nam, một nhà thơ của thời đại.”

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim: “Quang Dũng là một trong những người đàn anh có ảnh hưởng lớn đến sáng tác đối với lớp nhà thơ tiếp nối. Mặc dù Quang Dũng đã đi xa nhưng những vần thơ còn mãi.”

Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp: “Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, “Tây Tiến” cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó.’

PGS TS Vũ Nho: “Tôi muốn nói thêm rằng trong cảm xúc của Quang Dũng, dòng sông của đất nước, quê hương như cũng xúc động, gầm lên tiễn đưa những người con vinh quang của tổ quốc hi sinh thiêng liêng, bi tráng!”

Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển: “Quang Dũng là người lính Tây Tiến đích thực, cũng đồng thời là nhà thơ-chiến sĩ, nhà thơ Việt Nam tiêu biểu của một thời kỳ tiêu biểu cho sự đổi mới, sự hồi xuân của văn học dân tộc trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”

Đinh Minh Hằng: “Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ… Tất cả đều gợi ấn tượng của sự “lạ hóa”, của những vẻ đẹp kỳ ảo khó gọi tên…”

Nguyễn Thị Như Trang, lời bình trong Nhà thơ Quang Dũng và một thời Tây Tiến gian khổ, hào hùng: “Không chỉ thành công ở lĩnh vực thơ, văn xuôi, Quang Dũng còn là tác giả của nhiều bức tranh khá đạt về con người, phong cảnh miền Tây và trung du, về một bến sông mênh mang có những bông lau phất phơ, một con thuyền độc mộc ẩn hiện trong sương với tấm khăn piêu và cái dáng cô lái đò thật mềm…”

Võ Nguyên Giáp: “Một người chiến sĩ trẻ, tài hoa trong đoàn quân Tây Tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng”

Thanh Châu, trích Người thơ Quang Dũng: “Đẹp thay tâm hồn Quang Dũng! Dù đi đến đâu, lòng anh bao giờ cũng quay về nỗi nhớ nhung vùng đất đá ong cằn cỗi Sơn Tây, với cánh đồng Bương Cấn, với núi Sài Sơn, mây trắng xứ Đoài bay ngang đỉnh núi Ba Vì…”