Giới thiệu tác giả Rabindranath Tagore (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

Giới thiệu tác giả Rabindranath Tagore về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

Giới thiệu tác giả Rabindranath Tagore về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

1. Tiểu sử

– Tagore hay Rabindranath Tagore có tên khai sinh là Rabindranath Thakur (1861 – 1941), sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ.

– Ông là một nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn, nhạc sĩ và nhà dân tộc chủ nghĩa người Ấn Độ.

– Ông cũng là người Châu Á đầu tiên đoạt Giải Nobel Văn học năm 1913, là đại thi hào nghìn năm có một, là bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị về nhiều mặt.

2. Sự nghiệp

– Ông sáng tác vở kịch opera đầu tiên – Valmiki Pratibha – khi mới 20 tuổi. Ông sáng tác hơn 2.000 bài hát và sáng tạo nên Rabindra – sangeet – một thể loại âm nhạc Bengal quan trọng mang tên ông.

– Truyện ngắn và tiểu thuyết của ông giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Bengal. Và có lẽ ông là nhà thơ duy nhất trên thế giới đã sáng tác quốc ca cho cả hai nước: bài Amar Shonar Bangla cho Bangladesh và Jana Gana Mana cho Ấn Độ.

– Tuy nhiên, đóng góp xuất sắc nhất của Tagore vào sự phát triển của văn học Ấn Độ và thế giới là lĩnh vực thơ ca. Ông đã làm hơn 1.000 bài với 50 tập thơ, trong đó tập thơ “Lời dâng” (Gitanjali), một tuyển tập gồm những bài thơ về triết lý tôn giáo, được trao giải Nobel Văn học năm 1913.

– Ở Ấn Độ, ông được gọi là “Thánh sư” với số lượng tác phẩm đồ sộ về thi ca, văn xuôi, triết học, âm nhạc. Bên cạnh đó, Tagore còn viết một số tác phẩm để phục vụ cho phong trào giải phóng Ấn Độ.

– Ông cũng để lại nhiều tiểu thuyết (12 bộ dài và vừa), luận văn, hàng trăm truyện ngắn, kí, kịch (42 vở), 2000 tranh vẽ…

3. Tác phẩm tiêu biểu

– Câu chuyện nhà thơ (Kabikahine, 1878, trường ca)
– Tiếng hát buổi chiều (Sandhya sangeet, 1882, thơ)
– Tiếng hát buổi sáng (Prabhat sangeet, 1883, thơ)
– Lễ hiến sinh (Visarjan, 1890, kịch)
– Một lí tưởng (Manasi, 1890, thơ)
– Con thuyền vàng (Sonar tari, 1894, thơ)
– Khoảnh khắc (Khanika, 1900, thơ)
– Tặng vật (Naivedya, 1901, thơ)
– Kí ức (Sharan, 1902, thơ)
– Hạt cát nhỏ (Cokher bọli, 1903, tiểu thuyết)
– Đắm thuyền (Naukọdubi, 1906, tiểu thuyết)
– Trẻ thơ (Sisu, 1909; năm 1915 đổi tên thành Trăng non, thơ)
– Gora (1910, tiểu thuyết)
– Vượt biển (Kheya, 1906, thơ)
– Hi sinh (Naibedya, 1910, thơ)
– Lời dâng (Gitanjali, 1910, thơ)
– Thân chủ của gia đình (Raja, 1910, kịch)
– Vô cảm (Achalayatan, 1912, kịch)
– Sở bưu điện (Dakghar, 1912, kịch)
– Hồi ức (Jibansmriti, 1912, thơ)
– Đá khát và những câu chuyện khác (Hungry stones and other stories, 1913, tập truyện)
– Bài hát tưởng niệm (Gitimalya, 1914, thơ)
– Người làm vườn (The gardener, 1914, thơ)
– Vòng hoa thơ (Gitali, 1914, thơ)
– Ngôi nhà và thế giới (Ghare – baire, 1916, tiểu thuyết)
– Thầy tu khổ hạnh (Xaniaxi, 1916, kịch)
– Mùa xuân trở lại (Phalguni, 1916, kịch)
– Đường bay của chiếc cần cẩu (Balaka, 1916, thơ)
– Mùa hái quả (Fruit – gathering, 1916, thơ)
– Tặng vật (Lover’s gift, 1918, thơ)
– Kẻ lánh nạn (The fugitive, 1921, thơ)
– Thác nước (Muktadhara, 1922, kịch)
– Cây trúc đào đỏ (Rakta – karabi, 1926, kịch)
– Dòng chảy (Yogayog, 1929, tiểu thuyết)
– Cuộc khủng hoảng của nền văn minh (Sabhyatar sankat, 1941, tiểu luận)

4. Phong cách sáng tác

– Tagore được ví như là gạch nối giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Ở Tagore, không gì có thể làm con người khuất phục. Trong thơ, vừa mơ ảo, vừa hiện thực, Tagore đã đưa tâm hồn con người đi từ cách nhìn đời vào cách nhìn linh thiêng, để từ đó, biết yêu thương con người, biết bảo vệ cái đẹp, cái thiện lương.

– Ông đem đến cho thi ca Ấn Độ một không khí thanh sảng, thiêng liêng mà gần gũi, thân tình; biểu đạt những rung động tinh tế trong tâm hồn thi sĩ trước đất nước, quê hương, thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình yêu bằng một giọng điệu nồng nàn, tha thiết. Mặt khác, thơ Tagore cũng chứa đựng những triết lý thâm trầm về vũ trụ, con người, cuộc sống, hạnh phúc và tình yêu. Chất trữ tình – triết lí hòa quyện khó mà phân cắt trong một bài thơ của Tagore.

– Điểm nổi bật thấm đẫm chất văn trong tư tưởng của Tagore chính là thái độ đề cao con người, phủ nhận thần thánh. Triết học của Tagore là triết lý nhân sinh, lấy nền tảng là tình yêu thương mãnh liệt đối với con người.

5. Giải thưởng – vinh danh

– Giải Nobel Văn học năm 1913.

6. Nhận định, bình luận

– Sinh thời, Tagore được lãnh tụ phong trào giải phóng Ấn Độ Mahatma Gandhi đã gọi là “người thầy học vĩ đại”.

– “Thanh niên Ấn Độ khi yêu nhau thường đọc thơ tình của Tagore” – Ilya Erenburg

– Nói về nhà thơ Tagore và các tác phẩm thơ ca, dịch giả Bùi Xuân nhận xét: Tagore là nhà thơ của tình yêu rộng lớn – tình yêu thương con người. Triết lý trong thơ Tagore là sự hòa điệu của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên, con người trong mối quan vệ với vũ trụ. Con người là một thành phần trong vũ trụ bao la, con người cần hiểu được giá trị của mình.