Tản Đà là một nhà thơ, nhà văn và đồng thời cũng là một nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất. Cùng tìm hiểu về nhà thơ qua bài viết Giới thiệu tác giả Tản Đà (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định).
Tiểu sử
– Tản Đà (sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889 – mất ngày 7 tháng 6 năm 1939) ông tên thật Nguyễn Khắc Hiếu. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.
– Nghề nghiệp: là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam.
– Quê quán: tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), nguyên quán của ông ở làng Lủ tức làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội).
– Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất.
Sự nghiệp
– Ông thuộc dòng dõi quyền quý, có truyền thống khoa bảng. Tổ tiên ông xưa kia có nhiều đời làm quan dưới triều Lê.
– Thời niên thiếu của Tản Đà trải nhiều giai đoạn khóc cười. Năm lên 3 tuổi, bố mất, cuộc sống gia đình trở nên cùng túng.
– Ông rất thích làm văn, lại được anh hết lòng chỉ dẫn, nên 14 tuổi đã thạo các lối từ, chương, thi, phú.
– Giai đoạn niên thiếu của Tản Đà phần lớn dành cho chuyện thi cử, đến năm 19 tuổi, ông mới có những rung cảm tình ái đầu đời. Đó là mối tình với con gái nhà tư sản Đỗ Thận. Năm sau ông lại yêu con gái ông tri huyện phủ Vĩnh Tường. Nhưng 2 mối tình này đều không được trả lời.
– Năm 1913, anh cả Nguyễn Tài Tích mất. Tản Đà về Vình Yên làm nghề báo, tờ báo ông cộng tác đầu tiên là “Đông Dương tạp chí” của Nguyễn Văn Vĩnh, phụ trách mục “Một lối văn nôm”.
– Năm 1916 ông chính thức chọn con đường viết văn, làm báo chuyên nghiệp. Năm 1926, ông người sáng lập ra tờ báo chuyên về văn học đầu tiên của Việt Nam: tờ “An Nam tạp chí”, nó gắn liền với sự nghiệp làm báo của Tản Đà.
– Ngày 7/6/1939 (tức 20 tháng 4 năm Kỷ Mão), ông mất hưởng thọ 50 tuổi sau một thời gian chống chọi với bệnh gan, tại nhà riêng số 71 Ngã tư Sở, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là quận Đống Đa, Hà Nội).
Tác phẩm
– Văn:
+ Giấc mộng con I (1917), tiểu thuyết
+ Khối Tình (1918, Đông Kinh ấn quán in), tản văn
+ Thần tiền (1919), truyện
+ Đàn bà Tàu (1919), tập truyện
+ Đài gương (1919), giáo khoa
+ Tản Đà tùng văn (1922)
+ Truyện thế gian I (1922), tập truyện
+ Thề non nước (1922), truyện
+ Truyện thế gian II (1922), tập truyện
+ Trần ai tri kỷ (1924), truyện
+ Tản Đà nhàn tưởng (1929), bút ký triết học
+ Giấc mộng con II (1932), tiểu thuyết
+ Giấc mộng lớn (1932), tự truyện
+ Tản Đà văn tập (1932)
– Thơ:
+ Bình Khang ca phả
+ Khối tình con I (1916)
+ Tây Thi (1922)
+ Thiên Thai (1922)
+ Bài ca chúc tiệc lão làng A Lữ
+ Bài ca cổ bản – Vì sự diễn kịch ở Lao Kay để lấy tiền giúp nạn dân trong Nghệ Tĩnh
+ Bài hát chúc báo “Sống”
+ Bài hát của Tây Thi
+ Bài hát mừng Bắc kỳ Nam tửu
+ Bài hát mừng đức Nam Phương hoàng hậu ra tuần du đất Bắc
+ Bài hát xuân tình
– Kịch:
+ Tây Thi (1922)
+ Tống biệt (1922)
– Dịch Thuật, Nghiên Cứu:
+ Liêu trai chí dị (Dịch thuật, 1934)
+ Vương Thuý Kiều chú giải (Nghiên cứu, 1938)
+ Một số bài báo…(Nghiên cứu)
– Tuồng:
+ Thiên Thai (1916)
+ Người cá (1917)
Giải thưởng
Năm 1941, Hoài Thanh và Hoài Chân cho in tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng, đã cung kính đặt Tản Đà lên ngồi ghế “chủ suý” của hội tao đàn, ở những trang đầu tiên, như một người mở lối cho thi ca Việt Nam bước vào một giai đoạn tươi đẹp mới.
Phong cách sáng tác
Tản Đà với lối sáng tác lãng mạn, bay bổng, vừa phóng khoáng, ngông nghênh, cá tính, mang đậm phong cách cá nhân, vừa cảm thương ưu ái. Tản Đà thể hiện cái tôi đa tình của mình, giang hồ nhưng lại yêu cái đẹp. Lời thơ của ông là sự đan xen giữa ngôn từ tượng trưng, ước lệ với ngôn từ đời thường, khẩu ngữ. Có thể xem thơ văn ông như một gạch nối giữa hai thời văn học của dân tộc: trung đại và hiện đại. Ông có lối đi riêng vừa tìm về ngọn nguồn thơ ca dân gian và dân tộc vừa có những sáng tạo độc đáo tài hoa. Với lời thơ phóng khoáng, ngông nghênh nhưng lại có phần cảm thương và ưu ái của mình, ông đã để lại cho người đọc và những người có tâm hồn thi ca sự ấn tượng độc đáo và sâu sắc.
Nhận định, đánh giá
– Nguyễn Tuân: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ suý, trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”
– Bùi Giáng đã từng nói: “Nếu tiên sinh còn sống, ắt tại hạ xin được phép cùng tiên sinh nhậu nhẹt một trận lu bù. Thơ của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc. Nhưng bản dịch “Trường hận ca” của tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu.”
– Lê Thanh: “Người ta mong đợi một người có thể tả được những nỗi chán ngán, những điều ước vọng của mình, có thể ru được mình trong giấc mộng triền miên – Thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu ra đời!”
“…nhưng khi ông nói ông nhớ mà không biết nhớ ai, ông thương mà không biết thương ai, ông than mà không biết than về cái gì, thì ông là thơ sống, và thơ của ông là chất thơ trong như lọc với những cảnh tượng không rõ rệt, những hình ảnh lờ mờ, ông vẽ những bức tranh tuyệt bút; với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mỹ…”
– Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam: “Anh em ở đây, tuy người sau kẻ trước, nhưng ai nấy đều là con đầu lòng của thế kỷ hai mươi. Trên hội Tao đàn, chỉ tên sinh là người của hai thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc lớp người kế tiếp. Ở địa vị ấy còn có ai xứng đáng hơn tiên sinh…”
– Xuân Diệu: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi”.