Giới thiệu tác giả Thanh Tịnh về tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, giải thưởng và nhận định về ông.
1. Tiểu sử
– Thanh Tịnh (1911 – 1988) tên khai sinh là Trần Văn Ninh, quê ở xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế.
– Năm 1933, ông đi làm ở các sở tư rồi sau đó làm nghề dạy học. Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa…Sáng tác đầu tay của ông là truyện “Cha làm trâu, con làm ngựa” đăng trên Thần kinh tạp chí (1934).
– Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tên tuổi Thanh Tịnh được gắn liền với những tập truyện ngắn. Nhưng trên con đường nghệ thuật của mình, nơi ông thử sức đầu tiên lại thuộc về lĩnh vực thơ ca.
2. Tác phẩm chính
– Tác phẩm chính: Hận chiến trường (tập thơ, 1937), Quê mẹ (tập truyện ngắn, 1941), Ngậm ngải tìm trầm (tập truyện ngắn, 1943)…
– Tên tuổi của nhà thơ Thanh Tịnh được nhiều người biết đến rộng rãi hơn khi tập truyện ngắn “Quê mẹ” của ông ra đời vào năm 1941.
– Tác phẩm tiểu biểu: Hận chiến trường (tập thơ, 1937), Quê mẹ (tập truyện ngắn, 1941), Ngậm ngải tìm trầm (tập truyện ngắn, 1943)…
– Ngoài thơ, ông còn làm ca dao, viết kịch, viết báo; được coi là người sáng tạo ra thể “tấu nói”, đi đầu trong lối viết “những đoạn văn ngắn” và là nhà văn có nhiều giai thoại văn học.
3. Phong cách nghệ thuật
– Sáng tác của ông đều toát lên vẻ đẹp đằm thắm, êm dịu, trong trẻo.
– Thơ Thanh Tịnh có nhiều câu gần gũi với âm hưởng ca dao. Thế mạnh đó của ông ngày càng được phát huy. Sau này có rất nhiều câu thơ của Thanh Tịnh được lan truyền trong nhân dân với tư cách là những câu ca dao.
– Về sáng tác truyện thì truyện ngắn của ông mang đầy phong vị Huế và tạo riêng cho ông một thi pháp văn xuôi độc đáo. Là một nhà thơ lãng mạn, Thanh Tịnh đã mang vào truyện ngắn chất trữ tình sâu lắng.
4. Giải thưởng và vinh danh
– Ông được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
– Năm 1951-1952, giành Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam cho những bài độc tấu xuất sắc.
– Năm 1936, bài thơ “Lời cuối cùng” đoạt Giải nhất trong cuộc thi thơ tháng Hai do báo Hà Nội báo tổ chức, đồng hạng với nhà thơ Phạm Đình Bách.
5. Nhận định và đánh giá về tác giả Thanh Tịnh
– Nhà lý luận phê bình Lưu Khánh Thơ cho rằng: “Những câu thơ lãng mạn, mang phong vị ngậm ngùi buồn man mác đã làm xao xuyến trái tim bao người đọc ngay từ khi mới ra đời. Thơ Thanh Tịnh nhẹ nhàng, êm ái giống như văn ông, và sự đặc sắc của nó nằm ở những lời, những ý đậm đà hương sắc, cảnh vật của làng quê Việt Nam”.
– Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ còn nhận định: “Thơ Thanh Tịnh có nhiều câu gần gũi với âm hưởng ca dao. Thế mạnh đó của ông ngày càng được phát huy. Sau này có rất nhiều câu thơ của Thanh Tịnh được lan truyền trong nhân dân với tư cách là những câu ca dao…’
– Theo giáo sư Phong Lê thì “Có thể xếp Thanh Tịnh vào dàn đồng ca Thơ mới trước năm 1945 cùng vị trí với Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Yến Lan, Huy Thông”.
– Thạch Lam đã nhận xét rằng ở Thanh Tịnh “truyện ngắn nào hay đều có chất thơ và bài thơ nào hay đều có cốt truyện”.
– Nhà phê bình Nguyễn Tấn Long thì nhận xét :’’Thơ Thanh Tịnh có nhiều sắc thái biến chuyển do ngoại vật, ngoại hình xâm nhập hồn thơ và rung lên từng nhịp điệu riêng biệt mà ít khi bị ràng buộc bởi nội tâm…’’.