Giới thiệu tác giả Tố Hữu (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

5/5 - (1 bình chọn)

Giới thiệu tác giả Tố Hữu về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

Giới thiệu tác giả Tố Hữu về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận

1. Tiểu sử

– Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920 ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

– Quê ông ở Làng Phù Lai, Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế.

– Tố Hữu là một nhà thơ lớn của dân tộc, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam.

– Ông mất ngày 9/12/2002 tại Bệnh viện 108.

Giới thiệu tác giả Tố Hữu (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định)

2. Sự nghiệp

* Sự nghiệp cách mạng:

– Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, hiếu học, có truyền thống yêu nước, với sự dìu dắt, chỉ bảo của người cha nên khi vừa tròn 4 tuổi, Tố Hữu đã biết chữ quốc ngữ, lên 6 tuổi, ông được đến trường học lớp nhất.

– Tố Hữu học hai năm đầu tiểu học ở Hội An, đến năm 1929, ông theo gia đình ra Huế. Năm 13 tuổi, ông vào học tập tại Trường Quốc học Huế. Tại mái trường này, ông đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mác, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh… Đặc biệt, với sự dìu dắt của các đồng chí Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu… Tố Hữu đã sớm giác ngộ cách mạng.

– Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi.

– Tháng 4/1939, ông bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao, như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)… Tuy nhiên, ngục tù của thực dân đã không khuất phục được ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Trong lao tù, Tố Hữu vẫn sáng tác thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản.

– Tháng 3/1942, Tố Hữu vượt ngục về Thanh Hóa hoạt động, được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban khởi nghĩa các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và được phân công tham gia tổ chức Xứ ủy lâm thời Trung Bộ, giữ chức Phó Bí thư Xứ ủy.

– Ngày 17/8/1945, theo sự chỉ đạo của Trung ương, ông đến Huế cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên – Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở đây.

– Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, văn hóa, nhà thơ, ông đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của dân tộc.

– Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tố Hữu luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, nhiều lần tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Bắc. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ông đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm, xung phong vào chiến trường miền Nam, đi dọc theo tuyến đường Trường Sơn để viết nên những câu thơ hùng tráng, có sức lay động mạnh mẽ lòng người, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng của bao lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

– Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng. Trong đó, từ tháng 3/1982 – tháng 6/1986, đồng chí Tố Hữu là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng.

* Sự nghiệp văn học:

– Sự nghiệp thi ca của Tố Hữu bắt đầu gần như cùng lúc với con đường hoạt động cách mạng của ông. Trong lời tự bạch, in trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, nhà thơ Tố Hữu viết: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”.

– Năm 1946, tập thơ đầu tay Từ ấy ra đời, tập hợp các tác phẩm viết từ 1937 đến 1946, chia làm ba phần: Máu lửa (27 bài), Xiềng xích (30 bài) và Giải phóng (14 bài).

– Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, thơ Tố Hữu với các bài Phá đường, Bầm ơi… cùng với thơ ca của phong trào quần chúng đã trở thành một gợi ý có sức thuyết phục về phương pháp sáng tác hiện thực – lấy cuộc sống thực tế làm cốt lõi của thơ, hướng cảm xúc của công chúng vào những tình cảm cao cả đánh giặc cứu nước.

– Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những kế hoạch 5 năm xây dựng đất nước được triển khai. Tập thơ Gió lộng thể hiện nỗi niềm phấn chấn của người xây dựng đất nước: “Gió lộng đường khơi rộng đất trời”.

– Ra trận là tập thơ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đề tài mở rộng như đánh dấu những sự kiện chính trị, quân sự của đất nước, trong đó có Lá thư Bến Tre, có lời dặn của anh Trỗi, có kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, có nước mắt khóc Hồ chủ tịch… Mỗi bài thơ cho thấy Tố Hữu có khuynh hướng khái quát thời đại. Ông hướng tới những tình cảm phổ quát, cộng hưởng được với lòng người.

– Tập thơ gần đây nhất của Tố Hữu là Một tiếng đờn. Ông vẫn thuỷ chung với nguồn đề tài của đời sống cách mạng, của toàn đất nước. Ở tập thơ này, Tố Hữu trở về bút pháp nội tâm, rất gần với thời kỳ Từ ấy. Bút pháp không tung hoành hào sảng mà trầm xuống trong chiêm nghiệm. Trong cái bình đạm của giọng thơ, có sức rắn lại của ý chí: “Ta lại đi, như từ ấy ra đi; Lòng hăm hở tưởng như mình trẻ lại”.

3. Tác phẩm tiêu biểu

– Lượm (1949)

– Từ ấy (1946)

– Việt Bắc (1954)

– Gió lộng (1961)

– Ra trận (1962-1971)

– Máu và hoa (1977)

– Một tiếng đờn (1992)

– Ta với ta (1999)

– Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973)

– Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981)

4. Phong cách sáng tác

– Ở Tố Hữu có sự hài hòa giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Ông là nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu là thơ mới, hiện đại, sâu sắc, tập trung chuyển tải những tình cảm lớn của nhân dân trong suốt hành trình lịch sử của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

– Với quan niệm “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” không chỉ có cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, với tài năng và tâm huyết, Tố Hữu còn là nhà thơ lớn của dân tộc.Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tố Hữu luôn dùng thơ ca như một vũ khí, cổ vũ, động viên nhân dân tham gia kháng chiến chống lại kẻ thù.

– Thơ Tố Hữu hội tụ tinh túy nhất của thể thơ truyền thống lục bát, ông sử dụng nhuần nhuyễn các câu ca dao, câu vè vào những bài thơ mang nặng tính sử thi. Hình ảnh trong thơ của ông cũng rất mộc mạc, gần gũi và chân thực. Mặc dù là một chiến sĩ Cộng Sản, sáng tác thơ để phục vụ cách mạng, nhưng cảm hứng lãng mạn, nhẹ nhàng giúp thơ của ông không bị khô khan, cứng nhắc mà truyền cảm hơn, dễ đi vào lòng công chúng hơn.

5. Giải thưởng – vinh danh

Với những đóng góp của mình, nhà thơ Tố Hữu đã được nhận các giải thưởng văn học: Giải Nhất giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 cho tập thơ “Việt Bắc”, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm 1996. Đảng và Chính phủ đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Tố Hữu bằng những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

6. Nhận định, bình luận

– “Thời đại ta đã may mắn có được nhà thơ Tố Hữu” (Hoài Thanh)

– “Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên”. (Xuân Diệu – “Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu”)

– “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca”. (Đặng Thai Mai – Lời giới thiệu tập thơ Từ ấy, Văn học, 1959)

– “Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi.” (Tố Hữu – “Nhà văn nói về tác phẩm”)

– “Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự”. (Xuân Diệu – “Tố Hữu với chúng tôi”)

– “Thơ Tố Hữu là thơ một con người biết trân trọng lấy đời mình, muốn làm cho đời mình trở nên hữu ích. Vậy thì ai kia còn phung phí đời mình, làm gì cũng được, sống sao cũng xong, trong khi đọc thơ này hãy bắt đầu thử dừng lại mà biết quý lấy đời mình, mà đem xây dựng nó.” – (Chế Lan Viên)