Giới thiệu tác giả Tống Ngọc Hân về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm xuất bản, phong cách sáng tác, giải thưởng vinh danh, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Nhà văn Tống Ngọc Hân sinh ngày 2 tháng 9 năm 1976, là một nhà văn trẻ đương đại.
– Quê tại Đông Lĩnh, Thanh Ba, Phú Thọ.
– Tống Ngọc Hân là Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Sự nghiệp
– Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú (nay là Đại học Hùng Vương), giấc mơ dang dở và số phận đã đưa tác giả trở thành người sáng tác văn chương, thay vì được đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức văn học cho học trò.
– Mặc dù bước chân vào văn đàn chưa lâu nhưng nhà văn Tống Ngọc Hân đã ghi được dấu ấn trên văn đàn khi thành công trong việc khai thác về số phận con người, những phong tục tập quán và cảnh sắc thiên nhiên núi rừng biên cương qua góc nhìn riêng biệt, độc đáo.
– Sáng tác của Tống Ngọc Hân chủ yếu là thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Tác giả đã thành công ngay từ tập thơ đầu tay “Những nét vân tay” khi liên tiếp giành được giải A của tạp chí Văn nghệ Lào Cai (năm 2007) và giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2008).
– Tống Ngọc Hân được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2013
3. Tác phẩm xuất bản
– Những nét vân tay (thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2008)
– Khu vườn yên tĩnh (truyện ngắn, NXB Phụ Nữ, 2009)
– Sợi dây diều (truyện ngắn, NXB Hà Nội, 2010)
– Đêm không bóng tối (truyện ngắn, NXB Hà Nội, 2013)
– Hồn xưa lưu lạc (truyện ngắn, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2014)
– Mây không bay về trời (truyện ngắn NXB Quân Đội Nhân Dân, 2015)
– Huyết Ngọc (tiểu thuyết, NXB Phụ Nữ, 2015)
– Tam Không (truyện ngắn NXB Hội Nhà Văn, 2016)
– Âm binh và lá ngón (Tiểu thuyết, NXB Công An Nhân Dân, 2016)
– Mùa hè ở trên núi (truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2017)
– Kiều mạch trắng (truyện ngắn NXB Phụ Nữ, 2018)
– Bức phù điêu mạ vàng (truyện ngắn, NXB Văn Học, 2019)
4. Phong cách sáng tác
Hơn hai mươi năm sống gắn bó với vùng núi Sa Pa, tỉnh Lào Cai, những tác phẩm của Tống Ngọc Hân mang những chất liệu, hơi thở cuộc sống của con người miền sơn cước.
5. Giải thưởng – vinh danh
– Giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNTVN năm 2008
– Giải B (tập truyện ngắn) Hội VHNTTS VN năm 2009
– Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Lào Cai (2011- 2012)
– Giải B Phan Si Păng ( 2007 – 2012) của UBND Tỉnh Lào Cai
– Giải C cuộc thi truyện ngắn Tạp chí VNQĐ năm 2014
– Giải C (tiểu thuyết) cuộc thi đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (Bộ Công an và HNV phối hợp tổ chức 2011 – 2015)
– Giải C cuộc thi Nông thôn đổi mới (Bộ nông nghiệp và HNV tổ chức) 2016
– Giải thưởng cây bút vàng (truyện ngắn) NXB Bộ công an 2017
– Giải A Phan Si Păng (tiểu thuyết) của UBND tỉnh Lào Cai (2012 – 2017)
– Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn ba tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ 2017
– Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Dấu ấn quê hương Lào Cai Yên Bái Phú Thọ năm 2018
6. Nhận định, bình luận
– “Truyện của cô có độ thẩm thấu vi diệu về những con người vùng núi non phía Bắc với suy nghĩ, ngôn từ, cảnh sắc, quan niệm về tình yêu, tình vợ chồng, hạnh phúc”. – Nhà văn Chu Lai
– Đối với tập truyện Hồn xưa lưu lạc, Hoàng Đăng Khoa có cảm nhận: “là khúc bi ca về đặc sắc tinh hoa văn hóa Mông nói riêng, văn hóa tộc người nói chung được chiu chắt, trao truyền, nâng giữ từ bao đời đang đứng trước cơn cưỡng bức, xâm thực bất khả cưỡng của văn hóa miền xuôi, văn hóa ngoại quốc”.
– Nhà phê bình Nguyên An có nhận xét đối với tập truyện ngắn Đêm không bóng tối: “Truyện của Tống Ngọc Hân đấy ứ, đầy tràn những nỗi đời.”, “Nhưng nỗi đời thì sâu đằm và da diết quá, buồn thương tiếc nuối rồi bâng khuâng ngẩn ngơ nữa. Cả một vùng đất với nhiều số phận đã được khai mở dần trong truyện ngắn Tống Ngọc Hân, mang mang mà mồn một rõ”.