Giới thiệu tác giả Trần Hòa Bình về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, nhận định và bình luận
1. Tiểu sử
– Trần Hoà Bình (1956 – 2008) sinh tại Ba Vì, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).
– Ông là nhà báo, nhà thơ người Việt Nam.
– Ông còn là chuyên gia tâm lý sâu sắc và hóm hỉnh với những lời gỡ rối tâm tình giúp độc giả với bút danh Tầm Thư.
– Ông mất đột ngột vì tai biến mạch máu não khi đang công tác ở Nam Định vào ngày 19/08/2008.
2. Sự nghiệp
– Trần Hoà Bình tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1978 rồi lên dạy học ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại Xuân Hòa – Vĩnh Phúc bây giờ.
– Sau này, ông về Học viện Báo chí và Tuyên truyền, do dạy nghề làm báo và trực tiếp làm báo nên cái tính ham đi của ông lại càng được kích hoạt lên gấp bội. Ngoài những buổi lên lớp, hễ cứ hở ra lúc nào là ông lại đi.
3. Tác phẩm tiêu biểu
– Bài hát ru hoa sen
– Cho một người nghe hát tình ca
– Khau Vai
– Khi mùa mưa đến
– Không đề
– Lối hoa vàng
– Mai em về nhà chồng
– Một lần chạm cốc
– Mùa xuân đưa tiễn
– Thêm một
4. Phong cách sáng tác
– Con đường thơ của thi sĩ họ Trần được hình dung qua dấu mốc bài thơ “Thêm một” (1986). Trước đó, Trần Hòa Bình công bố hàng loạt các bài thơ của tuổi “thanh niên sôi nổi”, gắn bó với cuộc sống và chiến đấu của Tổ quốc. Thơ lúc này trong trẻo, thanh xuân của một người trai tuổi đang yêu, chan hòa với cuộc sống chung của lớp người cùng thế hệ.
– Sau này, do tuổi tác dày lên, cuộc sống riêng chung có nhiều đổi khác, thơ Trần Hòa Bình chủ yếu hướng vào tình yêu và tình cha đối với đứa con gái đầu lòng còn nhỏ.
5. Nhận định và bình luận
“Có ai đấy bảo Trần Hòa Bình lãng tử và ham chơi, nhưng nhìn lại cả một khối lượng đồ sộ tác phẩm văn chương và báo chí mà anh để lại trong gần 30 năm cầm bút, mới thấy được chuyện: Viết với anh là một nhu cầu sống và như người xưa vẫn nói “cơm áo không đùa với khách thơ”.” – Nguyễn Việt Chiến